Sự kiện bình luận

Sửa Luật về quy hoạch, đầu tư nhằm tháo gỡ những vướng mắc cấp thiết về thể chế

Hương Lan 11/10/2024 10:54

Sáng 10/10, tại chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

101020240945-dsc_6301.jpg
UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu. (Ảnh quochoi.vn)

Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 513/TTr-CP của Chính phủ; nhận thấy, Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa, trong đó có đề xuất sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật này để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

cai-thien-moi-truong-kinh-doanh.jpeg
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy kinh tế xã hội. (Ảnh minh họa)

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các quy định mới cần đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và không gây thêm khó khăn cho các đối tượng liên quan, tránh tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập mới, gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của nhà nước, gây bất lợi cho người dân.

Nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, xây dựng hành lang pháp lý không chỉ hỗ trợ mà còn kiến tạo phát triển cho người dân nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Việc rà soát những vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết để sửa đổi là rất chính xác. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát những vấn đề quan trọng theo ý kiến đóng góp của các đại biểu để đảm bảo đồng bộ của pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, rà soát đảm bảo các nội dung sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai, thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật về quy hoạch, đầu tư nhằm tháo gỡ những vướng mắc cấp thiết về thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO