Văn hóa - Du lịch

Thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thu Hằng 25/11/2024 06:49

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định cụ thể về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa và quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Chiều 23/11, đúng vào Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, với 413/422 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025.

67418998edce133d77124591.jpg
Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, quyết định thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa. Ảnh: P.Thắng

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được thông qua gồm 9 chương, 95 điều, đã bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có những điểm mới cơ bản, trong đó: Hoàn thiện quy định về các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa…

Đặc biệt, một trong những điểm mới của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đó là, từ 01/7/2025 (khi luật có hiệu lực), sẽ thành lập thanh tra di sản văn hóa.

Cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan tham mưu, giúp quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở trung ương để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực di sản văn hóa theo quy định của pháp luật; Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến nhất trí quy định về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa tại dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này.

202411231423588348z606146610439-1732350710401.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: QH

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, gửi văn bản đề nghị Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, di sản văn hóa ở nước ta rất đa dạng về loại hình, tính chất, giá trị, quy mô nên rất cần đội ngũ thanh tra chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm thực thi hiệu quả việc phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Về quỹ bảo tồn di sản văn hóa, theo ông Vinh, một số ý kiến nhất trí thành lập quỹ này nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Có ý kiến đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo thành lập quỹ.

Việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ.

Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập. Còn ở địa phương, quỹ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn, khả năng huy động các nguồn lực xã hội và tính hiệu quả của quỹ để quyết định việc thành lập.

Việc thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) không chỉ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong bảo vệ di sản văn hóa mà còn mở ra những giải pháp đột phá để kết nối nguồn lực từ cộng đồng và nâng cao hiệu quả quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO