Niềm tin vào thị trường bất động sản Việt Nam đang ngày càng được củng cố khi có nhiều chuyển biến tích cực và lạc quan. Theo dự báo từ các chuyên gia cho thấy, các chủ đầu tư đã sẵn sàng “tái nhập cuộc” vào đường đua kinh tế.
Thị trường BĐS Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực trong quý I/2024. (Ảnh minh hoạ)
Theo nhiều chuyên gia trên thị trường bất động sản hiện nay, một số chủ đầu tư đã "bung hàng", một số chủ đầu tư đang "rục rịch" nghiên cứu kế hoạch ra hàng trong thời gian sắp tới, các sàn giao dịch bắt đầu tuyển nhân sự, sẵn sàng nguồn hàng phân phối, môi giới quay trở lại với tâm thế mới, nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm, nghiên cứu “xuống tiền", ngân hàng rục rịch kích cầu vay mua nhà,...
Đây đều là các tín hiệu cho thấy niềm tin của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản Việt Nam đã ngày càng được củng cố. Đây cũng là viễn cảnh được nhiều chuyên gia dự báo, khi tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực sau hàng loạt các nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành.
Sau giai đoạn siết tín dụng đối với bất động sản, đã có nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền đã được nới lỏng với kênh đầu tư này. Việc các ngân hàng sẵn sàng đổ vốn vào thị trường bất động sản với mức lãi suất hấp dẫn tác động tích cực “kép" tới thị trường bất động sản. Giúp thị trường phục hồi mạnh hơn khi vừa hỗ trợ nguồn vốn cho các chủ đầu tư phát triển dự án, vừa hỗ trợ nhu cầu vay mua nhà.
Cụ thể, sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối năm ngoái, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án bất động sản trong điều kiện mặt bằng lãi suất ngân hàng giảm và kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp không thuận lợi.
Trong khi, các kênh huy động vốn khác chưa phát triển. Việc tiếp cận được dòng vốn tín dụng giúp cho các nhà phát triển đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai dự án, thúc đẩy nguồn cung ra thị trường.
Ngoài ra, việc thông qua 3 bộ Luật vô cùng quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, đã giúp tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang ngày càng rõ nét và lạc quan với nhiều dư địa để phát triển rực rỡ hơn.
Trong đó, Luật Đất đai mới hỗ trợ việc tiếp cận thị trường đất đai của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, giúp phân khúc bất động sản nông nghiệp khởi sắc, nhộn nhịp hơn. Hỗ trợ tăng lực cầu tài chính tốt với quy định tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước,... Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ vừa gỡ vướng, vừa thanh lọc thị trường với các quy định kiểm soát môi giới, giao dịch,... Trong khi Luật Nhà ở giúp tăng khả năng tiếp cận Nhà ở cho người dân.
Đánh giá về mức độ “sẵn sàng tái nhập cuộc" của các chủ thế, theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, nhờ đà phục hồi của thị trường, cũng như nỗ lực tự nhìn lại mình để điều chỉnh hướng phát triển phù hợp của các chủ thể tham gia thị trường, các cá nhân, doanh nghiệp còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đều “khỏe" hơn so với cùng kỳ.
70% chủ đầu tư có sản phẩm đủ điều kiện mở bán đã sẵn sàng “bung hàng”. (Ảnh minh hoạ)
Dữ liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 1035 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, theo kết quả khảo sát gần đây của VARS với các hội viên cho biết có tới trên 80% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ có tình hình kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ, với mức lợi nhuận tăng khoảng 10%. Một số doanh nghiệp còn ghi nhận doanh thu cao gấp đôi cùng kỳ, hay lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây,... Trên 90% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã và đang thực hiện tuyển lượng lớn môi giới để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Cũng từ dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, 70% chủ đầu tư có sản phẩm đủ điều kiện mở bán đã sẵn sàng “bung hàng”. Trong đó, thị trường địa ốc quý I/2024 lại tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 20.500 sản phẩm, trong đó có 4.300 sản phẩm mới, còn lại là hàng tồn của những dự án mở bán trước đó.
Giao dịch phân khúc nhà ở tiếp đà tăng trưởng, với 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý 4 năm 2023 và gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Riêng phân khúc căn hộ ghi nhận hơn 3.000 căn mới với tỉ lệ hấp thụ đạt 57%.
Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở cuối quý I/2024, các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án, các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off, "làm mới hàng cũ" diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc.
Làn sóng phục hồi của thị trường bất động sản đang ngày càng lan rộng. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt gần 31%, tương đương với khoảng 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ,... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số thị trường được đánh giá là điểm sáng trong quý I/2024 như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ.
Việc lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua trong bối cảnh kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển dự án, mà còn giúp cánh cửa vay mua nhà của người dân mở rộng hơn.
Mặc dù, nhiều người vẫn còn e ngại về mức lãi suất thả nổi sau ưu đãi. Tuy nhiên, so với năm ngoái, lãi suất thế chấp thả nổi trung bình hiện ở mức khoảng 9-11%, đã giảm từ mức đỉnh là 13-15% mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã phối hợp với chủ đầu tư, tung ra chính sách với cam kết mức trần lãi suất tối đa, người mua nhà sẽ tránh được những “rủi ro" liên quan đến lãi suất thả nổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức tín dụng hầu hết khuyến khích các khoản vay mua nhà để ở là các khoản vay ít rủi ro và điều khoản tài sản đảm bảo rõ ràng. Lãi suất cho vay đang duy trì ổn định, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà, thời hạn vay kéo dài 25 - 30 năm, giảm áp lực trả nợ từng tháng cho người vay vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn đang tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
VARS cho rằng, tác động có độ trễ của chính sách do dư nợ tín dụng chủ yếu nằm ở cho vay trung, dài hạn và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.