Qua 15 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế, đồng thời còn làm thay đổi lớn từ nhận thức đến hành động của người tiêu dùng.
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009, theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị. Với mục tiêu “phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài”.
Theo đó, Cuộc vận động đạt được những kết quả tích cực, như: Nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam"; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Duy trì và tăng tỉ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước (hàng Việt Nam hiện chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại); doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỉ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Khẳng định cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động, triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Sau 15 năm thực hiện, Cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do.
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá; phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hưởng ứng cuộc vận động. Nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA.