Bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.
Trong số các lĩnh vực nhận được sự quan tâm đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn cả.
Gần đây nhất, Samsung Display đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với dự án trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh. Dự án này hiện đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất màn hình thế hệ mới của thế giới.
Song song đó, Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 4 tỷ USD vào các dự án trung tâm dữ liệu, sản xuất vật liệu công nghệ cao và nhà máy nhiên liệu bay sinh học. Với kế hoạch mới này, tổng vốn Hyosung đầu tư tại Việt Nam sẽ lên 8 tỷ USD.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 24,78 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến cả năm 2024, tổng vốn đăng ký sẽ đạt 39-40 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 23 tỷ USD. Đặc biệt, vốn giải ngân 9 tháng đầu năm đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ năm 2021.
Những con số này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất kỳ vọng vào tiềm năng và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời phản ánh khả năng hấp thụ và giải ngân tốt vốn đầu tư của nền kinh tế.
Phía ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2024 và đạt 7,5% trong nửa đầu năm 2025. Động lực chính cho sự phát triển đến từ sự phục hồi thương mại, hoạt động kinh doanh sôi động và dòng vốn FDI ổn định.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại và tập trung vào các quốc gia có liên kết địa chính trị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và hydrogen.
Mặc dù đã có Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ vẫn là những thách thức cần sớm được giải quyết để tối ưu hóa tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam.
Ngoài ra, việc đẩy nhanh đào tạo nhân lực chất lượng cao và sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu cũng là những nhiệm vụ cấp bách cần được triển khai trong thời gian tới.