Mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản. Hội nghị được kỳ vọng thúc đẩy những hợp tác mới, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Tháp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và ngài Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh tham quan gian hàng sản phẩm OCOP bên lề hội nghị.
Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản cho rằng, tỉnh Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng thời gian tới, khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy được hoàn thiện sẽ kéo theo cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp trong nhiều lĩnh vực.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Đồng Tháp là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích hơn 3.380km2. Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, tỉnh còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, một số cây có múi.
Tỉnh cũng có làng hoa Sa Đéc, một trong những vùng trồng hoa lâu đời, lớn nhất nước, cung cấp hơn 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm cũng gắn liền với những địa điểm tham quan, du lịch trải nghiệm thú vị mang đậm nét văn hóa đặc trưng và giàu truyền thống lịch sử…
Với quy mô dân số khá lớn, hơn 1,6 triệu người, tỉnh Đồng Tháp có nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó, có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với hơn 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tốt đang là lợi thế của Đồng Tháp cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh hoặc tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Từ nhiều năm qua, Đồng Tháp đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản, như: tỉnh Ibaraki đã hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp trong việc tìm hiểu những nghiên cứu, cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp, hợp tác xã...
Hai bên đồng thời hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và giống cây trồng chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Trong khuôn khổ chương trình đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, từ năm 2014 đến tháng 10/2023, Đồng Tháp đã đưa hơn 10.000 lao động (riêng 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.278 lao động làm việc tại Nhật Bản, trên tổng số 1.510 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, chiếm gần 85%)…
Quang cảnh hội nghị.
Ngài Ono Masuo,Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp với điều kiện về tự nhiên. Trong đó, theo kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài do JETRO thực hiện, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đứng thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, với ý chí và quyết tâm trong thu hút đầu tư, cùng quan điểm nhất quán xem nguồn lực từ xã hội là quan trọng, là "đột phá" trong phát triển kinh tế, Đồng Tháp đã và đang tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, chuẩn bị nguồn lao động trẻ dồi dào…
“Tỉnh Đồng Tháp luôn xem thành công từ các dự án đầu tư của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương Đồng Tháp sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, nhất quán trong chính sách đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Đồng Tháp", ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thông tin với các doanh nghiệp, nghiệp đoàn Nhật Bản về tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp.
Kỳ vọng thúc đẩy những hợp tác mới
Từ nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản.
Ngay từ năm 2015, tỉnh Ibaraki đã hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp trong việc tìm hiểu những nghiên cứu, cơ giới hóa, phát triển nông nghiệp, hợp tác xã... Các chương trình hợp tác cũng mang đến nhiều kết quả nổi bật cho tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục-đào tạo, cụ thể như: Chương trình hợp tác với Giáo sư Kazuo Watanabe và Trung tâm Nghiên cứu đổi mới thực vật Tsukuba về việc hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và giống cây trồng chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Chương trình hợp tác đào tạo Tiến sĩ với Trường Đại học Wakayama, thông qua sự kết nối của Viện JAMWEI...
Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ với tổ chức Seed to Table được thực hiện từ tháng 5/2019 đến nay nhằm mục đích hỗ trợ cho những hộ nông dân quy mô nhỏ, các trường học áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ và hướng dẫn những người xung quanh được hiểu thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục tại tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Gần đây nhất là năm học 2022-2023, trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã triển khai mô hình Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản, giảng dạy theo chương trình đào tạo trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao với các ngành: Công nghệ thực phẩm, Trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Đối với lĩnh vực lao động-việc làm, Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, từ năm 2014 đến tháng 10/2023, tỉnh Đồng Tháp đã đưa hơn 10.000 lao động (riêng 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.278 lao động làm việc tại Nhật Bản, trên tổng số 1.510 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài).
Riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp sang thị trường Nhật Bản đạt 18,17 triệu USD và trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 20,5 triệu USD. Với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: giày da, thủy sản, sản phẩm sau gạo, dệt may, collagen, bánh phồng tôm, trái cây,... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: nguyên liệu dệt may, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm... Những mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Đồng Tháp có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Để thu hút doanh nghiệp đến với tỉnh Đồng Tháp, tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, địa phương cần giải quyết tốt bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt cần sớm hoàn thiện các dự án về hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Đồng Tháp.
Ngài Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.
Các doanh nghiệp cũng quan tâm và đặt vấn đề hợp tác với tỉnh trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là đối với xoài; việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực cơ khí, máy móc nông nghiệp cũng như nền tảng đầu tư lĩnh vực này tại địa phương.
Theo ngài Ono Masuo, trong thời gian tới, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy được hoàn thiện sẽ kéo theo cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp trong nhiều lĩnh vực như: chế biến nông sản, logistics, du lịch... được mở rộng. Phía Nhật Bản hy vọng, thông qua hội nghị này, tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp sẽ được doanh nghiệp Nhật Bản biết đến rộng rãi hơn, từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế và giao lưu giữa 2 bên, Nhật Bản và tỉnh Đồng Tháp.
“Thời gian tới, tỉnh cần thành lập ban tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đáp ứng tốt nhu cầu cho nhà đầu tư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính…”, ngài Ono Masuo đề xuất.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định: “Đồng Tháp xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị.
Chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp (với 2 cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Dinh Bà) đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Hạ tầng giao thông được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện".
Những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, đã mang đến nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp đầu tư tại Đồng Tháp. Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ.
Hệ thống giao thông thủy, với 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng... đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.
“Đồng Tháp đang đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng phát triển cho chặng đường sắp tới. Tăng trưởng duy trì ở mức 7-7.5%/năm. Chúng tôi đang được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đặt hàng, kỳ vọng trở thành một trong những tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân thông minh.
Chúng tôi cũng đặt yêu cầu cao, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp. Ngoài sức mạnh tự thân, chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, mà hội nghị hôm nay là một trong những nỗ lực để thúc đẩy hiện thực hóa những khát vọng, mục tiêu đó của Đồng Tháp”, đồng chí Lê Quốc Phong cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao bức tranh về Sếu đầu đỏ được kết từ hoa sen Đồng Tháp cho ngài Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NGUYỆT ÁNH)
Tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, chính sách đã được tỉnh Đồng Tháp giới thiệu, truyền tải với nhiều hình thức sinh động, trực quan, đa dạng tại hội nghị.
Lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp tỉnh cũng đã tập trung lắng nghe nhu cầu, yêu cầu, những gợi mở, chia sẻ của đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó sẽ hiểu nhau hơn, thống nhất cùng nhau để thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Đồng Tháp-Nhật Bản.
Theo Nhandan