Diễn đàn pháp lý

Toà án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ - sửa đổi quan trọng trong Luật Tổ chức Toà án

Mai Thoa - Mạnh Hùng 25/09/2024 15:49

CLY - Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu chứng cứ mà đương sự không thể thu thập được sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan và triệt để… , bảo đảm công lý, công bằng trong mỗi phán quyết…là một trong những sửa đổi đáng chú ý của Luật Tổ chức Toà án mới được Quốc hội thông qua.

tap-huan-luat-tc-tand-1-.jpg
TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về một số nội dung mới của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/06/2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Với 9 chương, 152 điều, Luật có rất nhiều điểm mới, được dư luận quan tâm.

Bên cạnh việc kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp, luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn, điển hình như: Luật quy định bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án: (Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật; Giải thích áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Luật không còn quy định việc Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Nhìn nhận ở góc độ Toà án địa phương, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Chung cho rằng, Điều 15 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án so với Luật hiện hành.

Theo đó, trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được CQĐT, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử.

Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự, vụ việc phá sản và các vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.

Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, để Tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, thực sự tôn trọng nguyên tắc tranh tụng và “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Để tạo thuận lợi cho đương sự, người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết, xét xử vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc. Nếu Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập.

chanh-an-dl.jpg
Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Chung.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, Luật quy định, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Quy định trên một lần nữa xác định đúng vị trí, vai trò của Tòa án trong bộ máy nhà nước; xác định được đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án với tư cách là chủ thể thực hiện quyền tư pháp; phân định rõ vị trí, chức năng của Tòa án so với các cơ quan tiến hành tố tụng khác; góp phần bảo đảm tính khách quan, minh bạch của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo đó, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số nhiệm vụ điều tra, Viện kiểm sát (VKS) có nghĩa vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, đúng pháp luật; Tòa án giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra đảm bảo công bằng, khách quan. Bên cạnh đó, bỏ quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án cũng góp phần giảm thủ tục tố tụng, giảm tải công việc cho hệ thống Tòa án như hiện nay.

Trong trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ thì Tòa án sẽ có hướng xác minh như thế nào để đảm bảo tính khách quan?

Chánh án Nguyễn Văn Chung cho rằng: Các nguồn chứng cứ sẽ chỉ trở thành chứng cứ nếu như nó được thu thập theo quy trình luật định. Cụ thể, việc xác minh thu thập chứng cứ và giao nộp tài liệu chứng cứ được quy định cụ thể tại điều 96, điều 97 BLTTDS 2015. Để phù hợp với mô hình tố tụng “xét hỏi kết hợp tranh tụng”, khi các bên xuất trình tài liệu, chứng cứ, Tòa án có trách nhiệm phân định tài liệu cần xác minh, tài liệu không cần xác minh. Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế, Tòa án sẽ xác minh để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện.

Các hướng xác minh, Tòa án có thể tiến hành như: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú; Xem xét, thẩm định tại chỗ…

Vì vậy cần có quy định hướng dẫn và quán triệt trách nhiệm cung cấp, giao nộp chứng cứ là trách nhiệm của đương sự. Thời điểm giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ phải được quy định đồng thời và được hỗ trợ bởi quy định pháp luật hoàn thiện về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Tại Điều 10 LTTHC năm 2015 về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý cho đương sự, Tòa án, VKS theo quy định của Luật này khi có yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toà án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ - sửa đổi quan trọng trong Luật Tổ chức Toà án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO