Điểm đến đầu tư

Vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới

Nhật Minh 01/12/2024 17:21

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam đã vươn lên như một điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sự chuyển mình này không chỉ phản ánh qua các con số ấn tượng, mà còn được định hình bởi những chính sách chiến lược của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 50-NQ/TW do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 20/8/2019.

Nghị quyết 50-NQ/TW: Bước ngoặt trong thu hút FDI

Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW để định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết không chỉ đặt ra các mục tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, mà còn tạo nền tảng để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ đầu tư toàn cầu.

Nghị quyết khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

1-von-dau-tu-118820240104182244_4763490.jpg
Ảnh minh họa

Nghị quyết ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam sẽ xây dựng chính sách ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo ở Việt Nam…

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững, theo đó Việt Nam hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và quản lý hoạt động đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chuyển giá, trốn thuế hay vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, Nghị quyết đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư nhằm bảo đảm việc nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân và hạ tầng phục vụ đi kèm.

Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết đề ra kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn FDI đăng ký dự kiến đạt từ 150-200 tỷ USD, tương ứng mỗi năm từ 30-40 tỷ USD. Đến giai đoạn 2026-2030, mục tiêu tổng vốn đăng ký sẽ đạt từ 200-300 tỷ USD, mỗi năm từ 40-50 tỷ USD. Đây là bước chuyển lớn, không chỉ ở số lượng mà còn đảm bảo vốn FDI thực hiện đạt tỷ lệ cao so với vốn đăng ký, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị sản xuất. Theo đó, mục tiêu là tỷ lệ nội địa hóa đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị nội địa và gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghị quyết cũng đưa ra định hướng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ logistics. Các vùng kinh tế trọng điểm cùng với những khu vực tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội chưa được khai thác hiệu quả sẽ trở thành tâm điểm của chiến lược thu hút đầu tư.

Để đạt được những mục tiêu này, Nghị quyết 50 nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng môi trường đầu tư. Cụ thể, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường tính minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này không chỉ tăng cường niềm tin của nhà đầu tư mà còn đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách thu hút đầu tư phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế là điều cần thiết để khai thác hiệu quả tiềm năng của đất nước.

Điểm sáng trên bản đồ đầu tư thế giới

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ đầu tư thế giới. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về lượng vốn FDI thu hút, vượt qua các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, và Indonesia. Điều này phản ánh sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và xu hướng “Trung Quốc+1” trong đó Việt Nam trở thành lựa chọn ưu tiên nhờ vị trí chiến lược, chi phí lao động cạnh tranh, và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện.

Các nhà đầu tư từ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, và Singapore, chiếm hơn 70% tổng vốn FDI vào nước ta; trong đó, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,6 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Sản xuất và chế biến tiếp tục là lĩnh vực dẫn đầu trong thu hút FDI, chiếm 58% tổng vốn đăng ký, tương đương 16,1 tỷ USD. Đây là minh chứng cho sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất như Samsung, LG, và Intel.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2023, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia nhận vốn FDI nhiều nhất thế giới, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 27,72 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là một thành tựu ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động do hậu quả của đại dịch COVID-19 và những xung đột địa chính trị kéo dài.

2-dautunuocngoai061120243.jpg
Đồ họa: TTXVN

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để bứt phá. Chính sách mở cửa, hội nhập sâu rộng cùng khả năng thích ứng nhanh chóng là những yếu tố giúp Việt Nam vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Còn ông Simon Baptist, chuyên gia kinh tế của Economist Intelligence Unit (EIU), cũng đánh giá: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có thể duy trì mức tăng trưởng cao trong dài hạn, nhờ vào nền tảng chính trị ổn định và sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ đối với các cải cách kinh tế”.

Với những thành công nổi bật trong thu hút FDI và nâng cao vị thế trên bản đồ đầu tư toàn cầu, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất và đầu tư chiến lược tại Đông Nam Á. Để duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức để Việt Nam khẳng định vị trí của mình trong một thế giới đầy cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO