Đời sống - Xã hội

Xử lý nghiêm khắc mạng xã hội cố tình lan truyền nội dung độc hại, sai sự thật

Thu Hằng 30/11/2024 07:03

Đây là nội dung được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

mang-xa-hoi-1686503243847.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) nhận định, một số mạng xã hội đã lợi dụng thuật toán phân phối “lập lờ” để lan truyền các nội dung tiêu cực. Có những nền tảng cố tình "bơm đẩy" nội dung xấu để tạo xu hướng, trong khi các nội dung tích cực lại không được ưu tiên.

Về vấn đề này, Nghị định 147 yêu cầu các mạng xã hội phải mô tả rõ quy trình phân phối nội dung và công khai trong Thỏa thuận Cung cấp Dịch vụ hoặc Tiêu chuẩn Cộng đồng. Các nền tảng này cũng cần cung cấp công cụ tìm kiếm và rà soát nội dung theo yêu cầu của Bộ TT&TT hoặc Bộ Công an.

Theo ông Lê Quang Tự Do, người dùng có quyền biết cách các nền tảng tạo xu hướng. Những mạng xã hội cố tình lan truyền nội dung độc hại sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Nghị định 147 cũng yêu cầu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại. Với tính năng livestream, người dùng còn phải xác thực bằng số định danh cá nhân, nhằm ngăn chặn tình trạng livestream bán hàng vi phạm pháp luật.

vnpbo-thong-tin-va-truyen-thong-7-1732790179953893814796.jpg
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: Bộ TT&TT

Nền tảng sẽ phải gắn biểu tượng xác thực như tích xanh cho các tài khoản, trang, hoặc kênh của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có pháp nhân tại Việt Nam và cả những cá nhân có ảnh hưởng lớn khi có yêu cầu.

Ngoài ra, các nền tảng được yêu cầu xóa bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Tương tự, việc khóa tài khoản, nhóm, hoặc kênh vi phạm cũng phải được thực hiện trong cùng khung thời gian này. Nếu không thực hiện, các tài khoản hoặc trang vi phạm có thể bị khóa vĩnh viễn.

Nghị định 147 cũng có thêm các quy định nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 1 giờ so với tin gốc, lấy nguồn tin từ ít nhất 03 cơ quan báo chí.

Trang thông tin điện tử tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định. Báo điện tử phải chịu trách nhiệm nội dung liên kết, tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin, bài của cơ quan báo chí trong 01 tháng.

Trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí, không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.

Người dùng mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng...

Trong năm 2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT, Sở TT&TT các địa phương đã cấp phép 80 giấy phép trang thông tin điện tử, 40 giấy phép trang mạng xã hội.

Hiện có khoảng 110 tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước và khoảng 203 triệu tài khoản sử dụng mạng xã hội nước ngoài.

Bộ TT&TT cũng đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát các nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Tính đến tháng 9/2024, Bộ đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.130 phản ánh liên quan đến nội dung xấu, độc và sai sự thật.

Lực lượng thanh tra đã kiểm tra và xử phạt 55 trường hợp, với tổng số tiền phạt lên đến 555 triệu đồng.

Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok cũng đã hợp tác với Bộ để gỡ bỏ hàng nghìn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, Facebook đã gỡ 8.981 nội dung vi phạm, Google chặn 6.043 nội dung trên YouTube và TikTok xóa 971 nội dung vi phạm trong năm nay. Tỷ lệ xử lý vi phạm của các nền tảng này đạt trên 90%.

Về quảng cáo, cơ quan quản lý triển khai hệ thống rà quét, xử lý vi phạm với các đại lý, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo xuất hiện trong video có nội dung xấu độc.

Các nền tảng xuyên biên giới được yêu cầu sử dụng AI và có đội ngũ nhân sự chuyên trách để kiểm duyệt nội dung, quản lý vị trí hiển thị quảng cáo.

Có thể thấy, kinh doanh trên Internet tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như mạo danh, lan truyền thông tin xấu độc, lừa đảo trực tuyến và gian lận thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm khắc mạng xã hội cố tình lan truyền nội dung độc hại, sai sự thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO