Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?

07/10/2023 21:48

Những thông tin tích cực đã tác động đến cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, khi trong thời gian VN-Index điều chỉnh, nhóm cổ phiếu này vẫn có những phiên tăng điểm liên tiếp.

Một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022.

Xuất khẩu thủy sản đang lấy lại sự cân bằng.

Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.

Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với củng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước.

Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ... Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự như tôm, xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.

Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang TOP 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc – Hồng Kông mang về cho ngành thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.

Theo nhận định của VASEP, thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV/2023, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.

Lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023

Những thông tin tích cực từ ngành mang lại đã tác động đến cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, khi trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu này đã có những phiên tăng điểm liên tiếp.

Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tháng 10 (2/10), cổ phiếu ANV của Công ty CP Thủy sản Nam Việt có phiên tăng trần lên mức giá 38.500 đồng/cổ phiếu, tính chung trong cả quý III, thị giá của mã cổ phiếu này tăng hơn 15%.

Tương tự, cũng trong phiên giao dịch này, cổ phiếu FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng có phiên tăng trần lên mức giá 49.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu này cũng đã có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp và từ đầu tháng 10 đến nay, cổ phiếu FMC cũng có 4 phiên tăng điểm liên tiếp, đưa thị giá lên 50.000 đồng/cổ phiếu.

Các mã cổ phiếu khác như VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn, MPC của Công ty CP tập đoàn Thủy sản Minh Phú, IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia, hay CMX của Công ty CP Camimex Group cũng có sự tăng trưởng về thị giá trong quý III năm nay. Theo đó, cổ phiếu VHC tăng trưởng gần 37,3%, cổ phiếu MPC tăng hơn 17,6%, cổ phiếu IDI tăng 12,5%, cổ phiếu CMX cũng tăng trưởng hơn 22% trong quý

Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, Chứng khoán SSI kỳ vọng, các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm: giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.

Đặc biệt, SSI cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ như VHC sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong quý III/2023 (do giá bán trung bình đạt đỉnh trong quý III/2022) và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV/2023. Đồng thời, ANV cũng được hưởng lợi khi được miễn thuế chống bán phá giá của Mỹ trong năm nay.

Trong khi đó, Chứng khoán ACBS cho rằng, sau một thời gian giảm, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục nhẹ trong tháng 8 với sản lượng và trị giá xuất khẩu đều tăng khoảng 20% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước sản lượng tăng nhẹ 9%, kim ngạch giảm nhẹ 12% do giá cá tra vẫn duy trì đà giảm.

Theo nhận định của các doanh nghiệp trong ngành, xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục nhẹ ở quý IV khi các dịp lễ hội bên phương Tây diễn ra. Tuy nhiên, do hàng tồn kho cá tra nhập khẩu từ trước còn nhiều nên cần khoảng 6 tháng đầu năm 2024 để tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho này và ngành xuất khẩu cá tra có thể vào chu kỳ cao điểm trở lại.

Theo Diendandoanhnghiep

Theo Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO