Sáng 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Tây Bắc và phụ cận".
Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất nhận thức, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất "đột phá", tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn" để phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn Tây Bắc và phụ cận, không để bị động, đột xuất, bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Tây Bắc và phụ cận là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái, đối ngoại, là địa bàn "phên dậu", "cửa ngõ" phía Bắc của đất nước và gắn liền với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất lớn và đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Bắc và phụ cận, như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW...
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc còn những tồn tại, hạn chế…
Trước mắt, trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao đối với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành 9 nhiệm vụ lớn, trọng tâm chủ yếu về chăm lo, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục vùng Tây Bắc và vùng phụ cận.
Theo đó, Bộ Nội vụ bố trí đảm bảo cơ cấu, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là tại cơ sở (xong trong tháng 6/2025).
Các bộ, ngành, địa phương tập trung hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", với tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều" (xong trong năm 2025).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung hướng dẫn UBND các tỉnh Tây Bắc và phụ cận việc cấp đất, giấy tờ về đất, sử dụng đất cho người dân (xong trong năm 2025).
UBND các tỉnh Tây Bắc và phụ cận tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng các dải sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), bảo đảm theo các tiêu chí Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Bộ Y tế chủ trì xây dựng Đề án về chăm lo sức khỏe cho người đồng bào dân tộc thiểu số (xong trong tháng 6/2025).
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số (thời gian xây dựng 3 năm, tính từ tháng 3/2025).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Dân tộc và Tôn giáo và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án khôi phục, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (xong trong năm 2025).
Các tập đoàn VNPT, Viettel, EVN có Đề án xóa "vùng lõm" về điện, sóng điện thoại (xong trong tháng 9/2025).
UBND các tỉnh Tây Bắc và phụ cận chủ động đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông ở địa phương, đảm bảo tất cả người dân có nước sạch sử dụng.
Quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ, khơi thông.