Y tế - Giáo dục

AI và cuộc cách mạng hóa các phương pháp học tập truyền thống

Phan Nguyễn 26/09/2024 14:04

Sự hợp nhất của AI với hệ thống học tập kỹ thuật số ngày nay đã tạo nên khái niệm học tập hoàn toàn mới: Giáo dục thông minh.

artificial-intelligence.jpeg
AI và máy học có khả năng giúp giáo viên, chuyên gia nghiên cứu sáng tạo ra nội dung phù hợp, thuận tiện cho việc giảng dạy và học tập.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các khía cạnh của xã hội. Đối với giáo dục, sự phát triển mạnh mẽ của AI đang định hình tương lai của giáo dục ở hầu hết các quốc gia, mở ra một kỷ nguyên mới về trải nghiệm học tập sáng tạo và cá nhân hóa.

Từ lộ trình học tập được cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu của từng học sinh đến hệ thống dạy kèm thông minh cung cấp hướng dẫn cá nhân hóa, AI đã mang lại sự thay đổi mô hình trong giáo dục. Bằng cách phân tích các tập dữ liệu lớn và cung cấp cho học sinh phản hồi nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo giúp việc tự động hóa các quy trình đánh giá trở nên dễ dàng hơn.

AI và máy học có khả năng giúp giáo viên, chuyên gia nghiên cứu sáng tạo ra nội dung phù hợp, thuận tiện cho việc giảng dạy và học tập. Khi phương pháp giảng dạy truyền thống không thể cung cấp yếu tố trực quan, việc sáng tạo nội dung thông minh bằng AI sẽ kích thích trải nghiệm thực tế về môi trường học tập trực quan dựa trên web, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Cùng với những cơ hội mang tới những trải nghiệm hoàn toàn mới cho ngành giáo dục, AI cũng cho thấy nhiều thách thức trong quá trình áp dụng vào ngành này. Điển hình, sự phát triển của các chính sách công liên quan đến AI trong giáo dục vẫn còn sơ khai, trong khi đây là một lĩnh vực rất có thể sẽ phát triển theo cấp số nhân. Ngoài ra, AI cũng có thể góp phần tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân số thiệt thòi và yếu thế có nhiều khả năng bị loại khỏi giáo dục được hỗ trợ bởi AI.

Dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo tính chính xác của các thuật toán máy học và khả năng dự đoán của AI. Tuy nhiên, nhiều khu vực vẫn gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu giáo dục.

Hiện tại, một số tổ chức giáo dục Việt Nam đã bắt đầu phối hợp với các đơn vị công nghệ tiên phong để đưa AI vào giảng dạy và quản lý. Đặc biệt, tại các trường học, sự thay đổi trong quản lý, giảng dạy rất rõ nét. Điển hình là hình thức điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt được áp dụng ở một số trường.

Tại TP.HCM, năm 2023 là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố sử dụng AI để hỗ trợ phụ huynh, học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Theo đó, hệ thống cung cấp đầy đủ thông tin của các trường THPT trên địa bàn như: Chương trình học, điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh qua các năm...

Từ cơ sở thông tin phụ huynh, học sinh cung cấp về lựa chọn các lớp (lớp thường, chuyên, tích hợp), số điện thoại, địa chỉ cư trú, AI sẽ phân tích, đánh giá cho ra kết quả những trường THPT phù hợp với năng lực học tập cũng như địa bàn cư trú. Để phát huy những mặt ưu việt, khắc phục những hạn chế của AI trong ngành giáo dục, trong thời gian tới, chúng ta cần ưu tiên xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung. Tạo cơ chế gia tăng số lượng các doanh nghiệp giáo dục ứng dụng AI. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng phần mềm và ứng dụng sẵn có cũng như phát triển một số sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Đồng thời, trong ngành Giáo dục, giảng viên, người học sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực do AI mang lại. Bên cạnh đó, các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo cần trang bị cho người học những công cụ hữu ích nhất để tự tin bước vào nền kinh tế số và xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
AI và cuộc cách mạng hóa các phương pháp học tập truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO