Trải qua chặng đường gần 1 thế kỷ, quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
Trải qua chặng đường gần 1 thế kỷ, quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Giữa bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước những khó khăn, đội ngũ doanh nhân đã cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Trong hành trinh phát triển đó, báo chí đã thể hiện vai trò, vị thế quan trọng cùng doanh nghiệp đồng hành, tạo dựng mối quan hệ gắn bó để cung cấp cho độc giả, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước những thông tin kịp thời, chất lượng, phản ánh đúng bản chất của sự việc, cùng nhau vững bước trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước.
Toàn cảnh Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” năm 2024. Ảnh kinhtedothi
Báo chí không chỉ cung cấp thông tin về khoa học, kỹ thuật, quản trị, pháp luật, thị trường, đầu tư... trong và ngoài nước, mà còn là kênh lan toả giới thiệu tiềm năng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến với công chúng, tạo cơ hội thu hút đầu tư, nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Báo chí cũng chính là diễn đàn của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh chế độ, chính sách, môi trường kinh doanh, kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; khơi dậy niềm tin của xã hội vào các nhà kinh doanh; khuyến khích tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ.
Chia sẻ về mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp, tại Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của DN, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm… mà còn là kênh cung cấp thông tin để DN nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp…” – PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, qua thông tin từ báo chí, doanh nghiệp hiểu rõ được lợi ích từ những chính sách mới, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng thị trường xuất khẩu thế mạnh của Hapro như gạo, hạt điều, cà phê…; đa dạng hóa nguồn hàng cũng như tiếp cận tốt hơn với công nghệ...
Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME), các doanh nghiệp còn khó khăn về mối quan hệ với báo chí để xây dựng thương hiệu. Bởi trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đôi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông đòi hỏi kỹ năng xử lý, nên cần huy động vai trò của báo chí đồng hành xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững. Muốn vậy, báo chí và doanh nghiệp phải có mối quan hệ “cộng sinh”, thông tin chính thống trên báo chí trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất.
Không chỉ với doanh nghiệp, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí có vai trò rất quan trọng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong thời gian qua, báo chí đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc nêu ra những tấm gương điển hình để giúp các phong trào thi đua, sản xuất kinh doanh được biết đến và nhân rộng. Mặt khác, báo chí, truyền thông cũng giúp ngành Công Thương trong việc phát hiện ra những vấn đề và nội dung cần được đánh giá, xem xét để có thể đưa ra được những giải pháp xử lý đúng đắn, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành Công Thương.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chia sẻ, thời gian tới, những nhiệm vụ của ngành Công Thương khá nặng nề, do vậy, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí để đạt được những kết quả đã được Chính phủ, Quốc hội giao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh Hương Lan
Đánh giá cao vai trò của báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu chặng đường báo chí cách mạng đã suýt soát 1 thế kỷ, hành trình đáng ghi nhận về sự báo chí phát triển mạnh mẽ của nền báo chí nước nhà cả số lượng và chất lượng, đa dạng các bài báo phản ánh đa chiều các khía cạnh, thể hiện đặc thù của nền báo chí cách mạng bám sát chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước đồng thời không ngừng phát triển cả về hình thức truyền tải thông tin tích hợp, hiện đại gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Trong thời gian tới, rất mong các nhà báo, cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói chung cùng các vụ, đơn vị trực thuộc để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, khí thế, động lực mới để đạt được hiệu quả chính sách cao nhất.