Theo Bộ Tài chính, từ 1/7/2024 khi Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực, sách giáo khoa sẽ được định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ.
Định giá sách giáo khoa nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu và đề xuất giải pháp đối với giá sách giáo khoa hàng năm thay đổi, giá sách tăng liên tục làm ảnh hưởng rất lớn đến những hộ gia đình khó khăn, không đủ điều kiện mua sách cho con em theo học.
Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, giá sách giáo khoa được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Giá năm 2012 và văn bản hướng dẫn. Theo các quy định này, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Giá sách giáo khoa do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trên thực tế, với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa không nhiều nhưng tổng kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn. Do đó, Quốc hội đã nghiên cứu, xem xét và tính toán rất kỹ trước khi quyết định cần xác định giá trần cho sách giáo khoa.
Nhà nước định giá sách giáo khoa, đưa ra giá trần là đang hướng tới đối tượng người tiêu dùng, để họ không phải mua sách giáo khoa ở mức giá quá cao. Phía các nhà xuất bản, nhìn tổng thể chắc chắn cũng không bất lợi.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giá số 16/2023/QH15, trong đó đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giáo khoa định giá cụ thể không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và phải bảo đảm phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định tại Luật Giá số 16/2023/QH15.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024 khi Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực, sách giáo khoa sẽ được định giá theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.