Bộ Xây dựng đã có công văn số 2295/BXD - KHTC báo cáo Chính phủ về phương án thực hiện dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương bố trí 6.500 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để tham gia đầu tư dự án, trong đó 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 theo như đề nghị của Bộ Tài chính và giao Bộ Tài chính cân đối để bố trí bổ sung 4.000 tỷ đồng cho Dự án theo nhu cầu.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo VEC rà soát, tính toán cụ thể phương án tài chính để thực hiện đầu tư Dự án, bảo đảm khả năng huy động vốn đầu tư; khả năng trả nợ nguồn vốn vay lại từ Chính phủ; phù hợp với phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô 10 làn xe.
Trong khi đó, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2014, với quy mô 4 làn xe (giai đoạn 1) hiện nay đã bắt đầu mãn tải, cụ thể đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km0+000 - Km25+920) nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành 4 làn xe hiện tại.
Với quy mô 4 làn xe hiện tại, đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành không đáp ứng được nhu cầu vận tải và đặc biệt là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác. Do đó, việc nghiên cứu đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành là rất cần thiết và cấp bách.