Cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

Hoài An 02/07/2024 20:57

Lợi dụng việc một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, nhiều kẻ gian đã thực hiện các cuộc gọi điện thoại giả mạo nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng xác thực sinh trắc học thông qua các đường link giả.

Các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng. (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An, cho biết trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị chiếm đoạt lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Điều này cho thấy bẫy lừa đảo trực tuyến vẫn là mối nguy gây tổn thất cho nhiều đơn vị lẫn người tiêu dùng hiện nay.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024; trong đó quy định khách hàng bắt buộc xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử của các ngân hàng như: Chuyển tiền online trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số...

Theo các chuyên gia, sinh trắc học bằng gương mặt là điều cần thiết để hạn chế kẻ gian dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản thanh toán của khách hàng. Từ đó nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực tài chính. 

Từ ngày 1/7, các ngân hàng đã triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Ngân hàng Vietcombank thông tin, cách thức lừa đảo phổ biến đang được các đối tượng thực hiện là gọi điện, nhắn tin, kết bạn với khách hàng qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học hoặc lập nick gây nhầm lẫn như “Nhân viên Ngân hàng”, “Hỗ trợ khách hàng"...

Đồng thời với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng còn trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.

Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Hoặc đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Do đó, để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra, ngân hàng cảnh báo khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, đồng thời không cung cấp thông tin, bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, hay bất cứ thông tin cá nhân nào khác, cũng như không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Trong trường hợp gặp khó khăn khi thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học hay khi thực hiện xác thực sinh trắc học với các giao dịch trực tuyến theo quy định, khách hàng có thể tới điểm giao dịch của các ngân hàng gần nhất để được cán bộ ngân hàng hỗ trợ trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO