Còn hơn 2 tháng để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo Luật Ngân sách nhà nước, do vậy các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện giải pháp tăng tốc, hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn nước rút.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2024 là 410.953,1 tỷ đồng
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 là 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch và đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đánh giá về kết quả này, Bộ Tài chính cho rằng, ước 11 tháng, giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân lại thấp hơn.
Cụ thể, chỉ có 18/46 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, Đài Truyền hình Việt Nam đạt 100%, Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 100%, Ngân hàng Nhà nước đạt 84,83%...
Vẫn còn tới 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạt 2,1%, Ủy ban Dân tộc là 6,87%..., thậm chí Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là 0%.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như: TP HCM (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)..., báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa được giải quyết dứt điểm như các vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Ngoài ra, một số địa phương như: Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt được so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Một số địa phương còn đạt tỷ lệ thấp do đấu giá quyền sử dụng đất các dự án khối tỉnh chưa kịp thời huy động vào ngân sách Nhà nước; ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã đã giao chi tiết kế hoạch vốn nhưng chưa có nguồn thu thực tế do vậy chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư.
Quyết liệt đôn đốc tiến độ giải ngân kế hoạch vốn
Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm 2024, thời gian giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 không còn nhiều, do đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai nhiều giải pháp giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024. Cụ thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Bên cạnh đó, chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết và cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu.
Còn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đối với các đơn vị thuộc Bộ, các chủ đầu tư để bảo đảm trong quá trình từ lập, thẩm định kỹ thuật đến xử lý hiện trường, đã thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật đầu ngành trong lĩnh vực để giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật bảo đảm công trình an toàn, tiết kiệm chi phí; lường trước những vấn đề kỹ thuật phức tạp, từ đó chuẩn bị ngay các giải pháp xử lý, không để thụ động ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình; lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế năng lực tốt, phù hợp với đặc thù từng dự án; lựa chọn đơn vị thẩm tra có năng lực, kinh nghiệm; thực hiện thẩm tra, thẩm định song song, tham gia ngay từ quá trình khảo sát, lập hồ sơ thiết kế để đẩy nhanh tiến độ.
Liên quan đến việc sửa đổi các cơ chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cũng đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là các dự án BT chuyển tiếp, sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một nghị quyết để tháo gỡ.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tháo gỡ điểm nghẽn chính sách, cơ chế.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, các sở, ngành để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện ngay đối với phần diện tích có đủ điều kiện, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố.
Tăng cường nhân lực, vật lực nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn tiềm ẩn. Do đó, để giải ngân hết nguồn vốn khi kết thúc năm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn đang quyết liệt đôn đốc tiến độ giải ngân các công trình, dự án để góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt trên 95% như kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.