Chi phí đầu vào và nhân công thấp không còn là lợi thế cạnh tranh của ngành gỗ Việt

Đông Nghi 15/04/2024 16:28

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sự tăng trưởng ngành công nghiệp gỗ trong hơn hai thập kỷ vừa qua dựa vào một số lợi thế so sánh như chi phí đầu vào, nhân công thấp, nhưng đã đến thời kỳ không thể dựa vào những lợi thế so sánh đó.

xuat-khau-go

Trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD. Ảnh minh họa

Trong số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan được biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2024 ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 1,9% so với tháng 3/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 749 triệu USD, tăng 57,8% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 3,9% so với tháng 3/2023.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn đang đứng trước khó khăn, nếu như căng thẳng trên Biển Đỏ vẫn tiếp diễn thì giá cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao. Ngoài ra, ngành gỗ còn phải đối mặt với áp lực gia tăng từ sự cạnh tranh khốc liệt, đi kèm là những rủi ro liên quan đến gian lận thương mại và làm giả thông tin nguồn gốc sản phẩm. Thêm vào đó, các đối tác quốc tế đang ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc gỗ, sản xuất bền vững và giảm phát thải carbon.

Chia sẻ thực trạng của ngành gỗ trong thời gian qua, tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) chia sẻ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2024 đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9%. Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp gỗ Việt nhập khẩu 1,143 triệu m3 gỗ nguyên liệu, tăng 22,5% về khối lượng và 10,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

nhap-khau-go

Doanh nghiệp gỗ Việt nhập khẩu 1,143 triệu m3 gỗ nguyên liệu trong 3 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Ông Hoài, nhấn mạnh chúng ta nói nhiều tới tăng trưởng xuất khẩu mà ít nói tới chất lượng của tăng trưởng, chất lượng của xuất khẩu. Hiện nay, ông Hoài cho biết các chi phí đầu vào tăng lên, kể cả chi phí nhân công nhưng giá không tương xứng.

“Hầu hết doanh nghiệp chúng tôi sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài, bị ép giá rất nhiều. Như vậy, phần làm thì nhiều nhưng giá trị ít. Về lâu dài, cách làm này không bền vững”, ông Hoài chia sẻ. Đồng thời cho rằng nhận định về hồi phục và tăng trưởng lạc quan có vẻ không đúng với tất cả ngành hàng.

Với chuỗi cung ứng ngành gỗ gồm từ rừng trồng của các nông hộ, người trồng rừng tới các doanh nghệp chế biến, xuất khẩu gỗ, Phó Chủ tịch VIFOREST cho biết, các chính sách để tạo động lực đã được Chính phủ tạo ra, từ cơ chế, tín dụng,… Tuy nhiên, vẫn còn một số khâu liên quan thể chế, chi phí thực thi pháp luật ví dụ như vấn đề hoàn thuế GTGT vẫn nan giải ở một số địa phương thì cần được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng ngành công nghiệp gỗ trong hơn hai thập kỷ vừa qua dựa vào một số lợi thế so sánh như chi phí đầu vào, nhân công thấp. “Nhưng đã đến thời kỳ không thể dựa vào những lợi thế so sánh đó”, Phó Chủ tịch VIFOREST nhấn mạnh.

Ông Ngô Sỹ Hoài cũng cho rằng, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu mới tham gia vào các thị trường với tư cách là các doanh nghiệp, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia. Do đó, sức cạnh tranh còn thấp.

“Cạnh tranh nước ngoài thì ít, cạnh tranh trong nước thì nhiều. Chính phủ, Quốc hội cần cơ chế nào đó để doanh nghiệp hợp nhất, đồng lòng. Hiệp hội chúng tôi cũng chỉ mang tính khuyến nghị mềm, chưa đủ sức thuyết phục doanh nghiêp, sự hợp tác còn kém”, Phó Chủ tịch VIFOREST kiến nghị.

Ngoài ra ông Ngô Sỹ Hoài cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần sự tập hợp hoặc liên kết đối tác châu Âu, Canada, Rumani,… để chế biến ra sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi phí đầu vào và nhân công thấp không còn là lợi thế cạnh tranh của ngành gỗ Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO