Tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17 diễn ra vào ngày 7/1, các chuyên gia đều nhận định Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng ở Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn VESF, nhìn lại kết quả đạt được năm vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá, cả nước đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; GDP đạt 7,09% - là chỉ tiêu cao; quy mô kinh tế tăng 2 bậc, đứng thứ 33 trên thế giới. Thu ngân sách vượt dự toán đặt ra. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 800 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD; đây là con số “xô đổ mọi kỷ lục”.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng ở Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế khi đạt thặng dư thương mại khoảng 24 tỷ USD và dòng vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 22 tỷ USD trong năm qua.
Những cải cách về Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Điện lực đã góp phần duy trì sự cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hướng tới tăng trưởng. Theo ông, đầu tư công chính là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi tăng trưởng 1% trong đầu tư công có thể cải thiện GDP khoảng 0,06%.
Đồng quan điểm, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: "Đối với mỗi khách hàng nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc, họ đều nói rằng có nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam bởi Việt Nam có nguồn lợi thế về nguồn nhân lực, chính sách cởi mở cũng như vị trí địa lý thuận lợi”. Việt Nam thực hiện nhiều cam kết cũng như ký các hiệp định thương mại với đối tác nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài và đóng vai trò là trung tâm sản xuất. Việt Nam đang trên đà trở thành ngôi sao đang lên của thương mại toàn cầu, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ông Shantanu Chakraborty tin rằng điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm là đẩy nhanh việc thực hiện các cải cách đang tiến hành, đạt hiệu quả trong bộ máy hành chính, đưa ra các quyết định, thúc đẩy đầu tư công. Hiệu quả những cải cách này cần phải nhanh chóng lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu đã đặt ra.
Trong khi đó, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho hay, triển vọng kinh tế trong năm 2025 nhìn chung tích việc. Việc duy trì đà tăng trưởng bền vững đòi hỏi nước ta cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như con người, cơ sở hạ tầng và thể chế. Đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống giao thông và năng lượng sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đại diện WB cũng góp ý, hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, qua đó giúp nước ta hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao.
Còn theo, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng yêu cầu trước tiên, trên hết là phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là cần lưu ý thực hiện những giải pháp chính sách gì để bảo đảm và củng cố nền tảng này trong năm 2025 nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế.
“Tăng trưởng cao đã khó nhưng đảm bảo được sự phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng cao còn khó hơn nhiều. Đây thực sự là vấn đề rất khó, rất phức tạp những đây cũng là sự khác biệt và là bản sắc phát triển riêng có của Việt Nam”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Chia sẻ sâu hơn về 3 nhóm giải pháp hết sức quan trọng của Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhận định, hoàn thiện chính sách tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để tạo bước đột phá phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2025, dự kiến sẽ dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng từ nguồn đầu tư công để triển khai các công trình trọng điểm như đường cao tốc, bến cảng, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thứ 3, nhưng hết sức quan trọng, là giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.