Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm thông qua việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, từ đó tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau
Chuyển đổi số ngành bán lẻ là quá trình gắn kết con người và công nghệ, thay đổi mô hình doanh nghiệp truyền thống sang mô hình vận hành hiện đại của doanh nghiệp số dựa trên những ứng dụng công nghệ mới như Big Data, Internet vạn vật, điện toán đám mây… Chuyển đổi số không chỉ trực tiếp giúp doanh nghiệp nắm bắt các trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số để từ đó đem lại các trải nghiệm tốt hơn, mà còn giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa vận hành, dễ dàng quản lý hệ thống, phát triển đội ngũ nhân sự, đem lại năng suất lao động cao hơn, từ đó giúp các nhà bán lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tại hội nghị trực tuyến với chuyên đề “Kinh tế số - Thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hồi cuối tháng 6/2024, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT cho biết, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ sẽ được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Tuấn thông tin, hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong lĩnh vực bán buôn, giá trị gia tăng bán buôn đạt 544.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ; và chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP.
Ông Tuấn cho rằng, việc cần chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ theo hướng đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số nhằm tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị và hiệu quả cao hơn. “Các mô hình TMĐT đã nâng cao trải nghiệm mua sắm của các khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ dựa trên vị trí, ứng dụng di động và các dịch vụ kèm theo bên cạnh sản phẩm”, ông nhấn mạnh.
Còn bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nêu ý kiến, TMĐT và chuyển đổi số đã tạo ra những thành công tại Việt Nam, giúp cho doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19. Theo bà, để thích ứng với sự chuyển dịch của nền kinh tế số và đối phó với đại dịch, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam đang hướng đến phát triển TMĐT, thay đổi mình thành các doanh nghiệp số để giảm bớt số lượng các cửa hàng bán lẻ truyền thống mà thay vào đó là tập trung phát triển các cửa hàng số.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chỉ ra, hiện nay các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với những hạn chế, bất lợi nếu không có sự dịch chuyển online. TMĐT và số hóa sẽ thay thế mô hình bán buôn, bán lẻ truyền thống.
Bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chỉ ra rằng, trong bối cảnh trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về sự trải nghiệm tiện lợi, nhanh chóng, cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với những hạn chế, bất lợi nếu không có sự dịch chuyển online. Website là cái gốc của tất cả các kênh bán hàng trực tuyến.
Ở các quốc gia phát triển, người dân, doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã rất có ý thức trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu trực tuyến. Trung bình ở châu Âu, có trên 70% doanh nghiệp có website sử dụng tên miền quốc gia ở nước sở tại. Cá biệt, ở Đức tỷ lệ này lên đến 95%. Tuy nhiên, con số này ở Việt Nam mới chỉ đạt 25%. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về sự hiện diện chính danh trên Internet.
Thực tế cho thấy, hạn chế căn bản của các cửa hàng bán lẻ trực tuyến hiện nay là thiếu website chuyên nghiệp. Khi tiếp cận các cửa hàng bán lẻ trên mạng, khách hàng cần thông tin để đánh giá mức độ tin cậy của cửa hàng. Trong xu hướng bán hàng đa kênh, nhiều cửa hàng chưa đầu tư xây dựng website và các kênh trực tuyến, hoặc chỉ đầu tư vào các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử mà quên website. Website chính là ngôi nhà, trụ sở của các cửa hàng bán lẻ trên Internet, có thể tích hợp và dẫn link tới các nền tảng bán hàng khác mà không bị lệ thuộc vào chính sách và thuật toán của mạng xã hội/ các sàn thương mại điện tử. Nếu không có trang web, khách hàng có thể đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cửa hàng. Trang web tin cậy, chuyên nghiệp sẽ giúp tạo lập được niềm tin với khách hàng.
Do đó, theo ông Thắng, “Etailer (cửa hàng bán lẻ trực tuyến) hãy bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số”. Ông lý giải: Tên miền quốc gia “.vn” gắn với website/email chính là giải pháp giúp cho các cửa hàng bán lẻ hiện diện tin cậy, chính danh; tối ưu hệ thống tìm kiếm; phát triển thương hiệu sản phẩm. Các thông tin trực tuyến sẽ trở nên tin cậy và an toàn hơn khi sử dụng các dịch vụ số gắn liền với tên miền quốc gia ".vn", được xác định danh tính chủ thể đăng ký rõ ràng và minh bạch.
Để giúp người dân, doanh nghiệp được hiện diện trực tuyến, nhanh chóng và tin cậy trên Internet, ngày 21/5/2024, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 826/QĐ-BTTTT phê duyệt “Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn”. Chương trình đưa ra 02 chính sách đột phá. Đó là miễn phí 02 năm tên miền và các dịch vụ số đi kèm (email/website) đối với tên miền “biz.vn” dành doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 01 năm và cho các hộ kinh doanh cá thể; tên miền “id.vn” cho người dân trong độ tuổi từ đủ 18-23 tuổi.
Với mục tiêu đến 2025 đạt 350.000 tên miền id.vn, 50.000 tên miền biz.vn, ưu đãi mà chương trình đang miễn phí ước tính 200 tỷ đồng (bao gồm lệ phí, phí phải trả cho cơ quan nhà nước để sử dụng tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” và chi phí sử dụng dịch vụ hosting website, email cho nhà cung cấp dịch vụ) trong vòng 02 năm chia đều cho 63 tỉnh, thành.