Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Chương trình được thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Thời gian thực hiện Chương trình trong 10 năm, từ năm 2025 đến hết năm 2035.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành văn hóa sẽ có những bước đột phá rõ rệt với 100% tỉnh thành có Trung tâm Văn hóa, 80% huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ.
Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Hàng năm, Việt Nam sẽ tham gia ít nhất 5 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.
Đến năm 2035, các chỉ tiêu về văn hóa sẽ đạt những thành tựu đáng kể. 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng. 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GDP.
Mỗi năm, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tác phẩm văn hóa nghệ thuật tầm quốc gia và tham gia 6 sự kiện văn hóa quốc tế lớn.
Quốc hội chốt tổng nguồn vốn phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 122.250 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng (gồm 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ đồng; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.
Ngân sách trung ương sẽ ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên.
Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, chỉ hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành.