Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, quyết tâm khởi công dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025.
Ngày 01/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đường sắt được xác định là lĩnh vực vận tải ưu tiên đầu tư nhờ những ưu thế vượt trội: Vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí thấp, an toàn, bảo vệ môi trường và khả năng kết nối xuyên quốc gia. Việc phát triển hệ thống đường sắt giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024, Bộ Chính trị đã yêu cầu “ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”. Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư dự án; Chính phủ đang xây dựng Nghị quyết triển khai, đặt mục tiêu khởi công trong năm 2025. Ngày 14/4/2025, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Công thư trao đổi, trong đó Trung Quốc cam kết hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.
Triển khai đồng bộ, song song các công việc
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động làm việc với các địa phương để bàn giao tọa độ tim tuyến, ranh giải phóng mặt bằng – cơ sở cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khảo sát thiết kế, hoàn thành trong tháng 6/2025. Bộ Xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, tổ chức triển khai song song, đồng thời các công việc: lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu… với phương châm “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ” để đảm bảo khởi công dự án vào ngày 19/12/2025.
Trường hợp cần thiết, có thể huy động nhân lực từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội để tăng cường, hỗ trợ thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban, hoàn thành trước 05/5/2025. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thành trong tháng 8/2025 để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Đồng thời, cần xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện song song việc đầu tư xây dựng khu tái định cư, bảo đảm người dân có chỗ ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tuyên truyền, vận động để đạt đồng thuận cao. Trường hợp cần thiết, có giải pháp tạm cư bảo đảm đời sống người dân, không ảnh hưởng tiến độ dự án.
Ưu tiên bố trí vốn, tháo gỡ vướng mắc
Về nguồn vốn, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của Trung ương, địa phương năm 2025 để ưu tiên bố trí thực hiện dự án, báo cáo Thủ tướng trong tháng 5/2025.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Bộ Xây dựng, địa phương đẩy nhanh các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa; hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Với tinh thần hành động “thần tốc, táo bạo hơn nữa”, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng, mở rộng hành lang kinh tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.