Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến dự án 1 Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, nội dung sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập bổ sung các quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Luật hóa đầy đủ các chế tài xử lý đối với Kiểm toán viên
Dự thảo đã bổ sung điểm i khoản 2 Điều 11 quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập: Quy định về đăng ký và quản lý hành nghề kiểm toán; quy định về đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán; quy định về công khai danh sách doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và kiểm toán viên hành nghề.
Theo Bộ Tài chính, sau khi rà soát quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán độc lập (theo Điều 11 Luật Kiểm toán độc lập), cơ quan này nhận thấy vẫn thiếu quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến việc đình chỉ hành nghề và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký của kiểm toán viên.
Để tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, dự thảo Luật đề xuất bổ sung các biện pháp quản lý mới, bao gồm quyền đình chỉ hành nghề và thu hồi giấy chứng nhận đối với kiểm toán viên, nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm phát sinh trong thực tế. Đồng thời, việc bổ sung này cũng đảm bảo đồng bộ với các quy định xử lý đối với doanh nghiệp kiểm toán. Do đó, dự thảo sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 11 của Luật này, bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn cho Bộ Tài chính trong việc quy định các biện pháp xử lý đối với kiểm toán viên.
Đồng thời, nội dung này không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và quy định này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp kiểm toán phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập.
Cần đồng bộ trong sửa đổi các quy định liên quan
Liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về Kiểm toán độc lập, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định của Luật này, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức; 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 05 năm. Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập".
Theo cơ quan soạn thảo, quy định các chế tài xử phạt như trên để có thể đảm bảo tính thực thi, hiệu lực và thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính thì cần thiết phải sửa cả Luật xử lý vi phạm hành chính.
Bộ Tài chính cho biết, lý do lựa chọn chính sách này vì: Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (Nghị định số 41) quy định về việc xử lý vi phạm trong lĩnh KTĐL, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm hành chính và các hành vi thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động KTĐL.
Có thể đánh giá Nghị định số 41 đã bao quát được các vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTĐL, đã đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tế triển khai đã xử lý các trường hợp vi phạm, từ đó chấn chỉnh hoạt động kiểm toán độc lập đi vào nề nếp. Việc xử lý phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này cũng tương đồng với mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán được quy định trong Nghị định 41, phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 41 đã phát sinh một số trường hợp không thực hiện được do hết thời hiệu xử phạt (quy định hiện nay là 01 năm đối với lĩnh vực KTĐL), các trường hợp này khi phát hiện hành vi vi phạm thì đã hết thời hiệu xử phạt, vì vậy không xử phạt được.
Một số trường hợp quy định chưa phù hợp với bản chất của hành vi vi phạm cũng như thông lệ quốc tế; mức xử phạt còn thấp chưa đủ tính răn đe. Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm có xu hướng không ngại vi phạm các quy định của Luật KTĐL và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, một số hành vi vi phạm của các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên chưa được xử lý thỏa đáng theo mức xử phạt, thời hiệu xử phạt theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.