Trong bối cảnh các chính sách thuế và thương mại quốc tế biến động, đây cũng là thời điểm để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực nội tại.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã có những phân tích, khuyến nghị cụ thể tại Hội thảo "Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của DN Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu có nhiều biến động, doanh nghiệp không thể phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường xuất khẩu truyền thống.
Theo ông Công, một trong những hướng đi quan trọng và cấp thiết hiện nay là đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP — những cánh cửa rộng mở giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn như EU, Canada, Australia, Nhật Bản. Ngoài ra, các khu vực còn nhiều dư địa như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh và thị trường nội địa hơn 100 triệu dân cũng cần được DN khai thác bài bản và bền vững hơn.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là nhiệm vụ chiến lược. Đại diện VCCI phân tích, doanh nghiệp Việt cần chú trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa, đầu tư vào các ngành công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics và công nghệ cao, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào.
Đặc biệt, DN Việt cần chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng chiến lược toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng của Mỹ. Đây là cơ hội để Việt Nam từng bước thay thế vai trò của Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nhất là khi Mỹ đang tăng tốc chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn, năng lượng tái tạo và công nghiệp xanh ra khỏi Trung Quốc.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn — Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI — cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cấu trúc thị trường xuất khẩu và làm mới mô hình kinh doanh. Theo ông, doanh nghiệp Việt phải học cách thích ứng, linh hoạt sắp xếp lại hoạt động sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững hơn, đồng thời củng cố lại chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện.
Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để xoay chuyển tình thế, nếu các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hành động quyết liệt. Ông nhấn mạnh, ngoài việc đàm phán và củng cố quan hệ song phương để giải quyết các mối quan tâm từ phía Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt cần chủ động chuyển mình, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và minh bạch hóa quy trình xuất xứ hàng hóa.
TS Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên tận dụng tối đa các gói hỗ trợ thuế, phí và tín dụng, đồng thời đẩy mạnh "chuyển đổi kép": vừa xanh hóa sản xuất, vừa ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. Không dừng lại ở việc đa dạng hóa thị trường, ông cho rằng doanh nghiệp cần mở rộng sự đa dạng ra đối tác, sản phẩm, dịch vụ và cả nguồn vốn. Đây sẽ là tấm “lá chắn” giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu.
“Chúng ta đang sống trong một vận hội mới. Thị trường dù có khó khăn, nhưng nếu biết chuẩn bị kỹ lưỡng, giữ tâm thế sẵn sàng, dám nghĩ, dám làm, DN Việt chắc chắn có thể vững vàng chèo lái qua sóng gió. Không bi quan, không chủ quan, mà phải nhìn nhận rằng trong nguy luôn có cơ, và Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phía trước," TS Cấn Văn Lực khẳng định.