Quản trị

Đóng phí công đoàn 2%, sẽ là gánh nặng với doanh nghiệp có nhiều người lao động

Duy Tuấn 25/10/2024 08:31

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung các quy định để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động; bổ sung quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Sáng 24/10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thu phí công đoàn 2%: Cần thiết hay không cần thiết?

Đại biểu Trần Nhật Minh- Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An ủng hộ việc dự thảo tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%. Lý do, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ khi 1957 có Luật Công đoàn đến nay.

tranhatminh.jpeg
Đại biểu Trần Nhật Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cùng quan điểm, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp công đoàn xây dựng đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động.

Tuy nhiên, tại ý kiến tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thu kinh phí này không còn hợp lý.

Lý do, hiện nay số lượng doanh nghiệp rất lớn. Số lượng người lao động trong doanh nghiệp đông, từ vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người. "Nếu đóng phí công đoàn 2%, sẽ là gánh nặng với doanh nghiệp có nhiều người lao động. Rồi nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa, hậu quả thật nặng nề".

nguyenanhtri.jpeg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Trí đề nghị, đối với doanh nghiệp dưới 500 lao động kinh phí là 2%. Doanh nghiệp từ 500 lao động đến dưới 3.000 người kinh phí 1,5%. Doanh nghiệp trên 3.000 người kinh phí chỉ 1%.

Giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu sau đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, kinh phí công đoàn, đại đa số các đại biểu đồng tình với mức 2%. Kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở hiện nay là 75% để chăm lo cho người lao động.

khang1.jpeg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Dự thảo Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. "Sau này, sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ, của Tổng Liên đoàn để hướng dẫn thực hiện".

Rà soát nhiệm vụchi kinh phí công đoàn

Trước đó, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo đã bổ sung các quy định để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động; bổ sung các nguyên tắc hợp tác quốc tế, nội dung hợp tác quốc tế và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn, quản lý hoạt động quốc tế của công đoàn.

bh2(1).jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn (Điều 30), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 31), trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng: Bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; Rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn;

Không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; Bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đóng phí công đoàn 2%, sẽ là gánh nặng với doanh nghiệp có nhiều người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO