Hàng giả, hàng "bẩn" đang trở thành một trong những mối lo ngại lớn trong xã hội hiện đại, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây tổn hại đến nền kinh tế và lòng tin của người tiêu dùng đối với các thương hiệu.
Liên tiếp phát hiện xử lý nhiều vụ việc
Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đường dây này do một số đối tượng ngoại tỉnh cấu kết với đối tượng trên địa bàn sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận cao hơn bình thường.
Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu đã lập chuyên án đấu tranh.
Sau một thời gian điều tra, ngày 11/4, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu chủ trì, phối hợp với Công an các phường Trung Đô, Vinh Tân, Nghi Phú (TP Vinh) và Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An), Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Vinh.
Tang vật thu giữ gồm gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine - 6-BAP) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Theo cơ quan chức năng, hóa chất 6-Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất là chất cấm, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong.
Quá trình điều tra mở rộng chuyên án, Cơ quan điều tra làm rõ: Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao hơn, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ.
Trước đó, một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá. Đến khi bị phát hiện, bắt giữ, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Theo kết quả điều tra của Công an, trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh vừa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng Công an phát hiện lập biên bản thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Lực lượng chức năng còn thu giữ các nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 14 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.
Cần liều thuốc đặc trị
Qua những vụ việc trên, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như duy trì sự công bằng trong kinh doanh, việc đấu tranh chống lại hàng giả và hàng "bẩn" cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.
Ngày nay, hệ thống sản xuất và phân phối hàng giả ngày càng được tổ chức tinh vi và có dấu hiệu cấu kết chặt chẽ. Các nhóm này không chỉ nhập lậu nguyên liệu, sử dụng giấy tờ giả mạo chứng nhận quốc tế, mà còn lôi kéo cả chuyên gia, người nổi tiếng tham gia quảng bá, tạo nên vỏ bọc hoàn hảo để đánh lừa người tiêu dùng.
Trước thực trạng đó các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu kiểm tra, giám sát từ sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan và cơ quan y tế...
Trên hết mỗi người dân phải là một “giám sát viên”, không dễ bị thuyết phục bởi quảng cáo hào nhoáng, biết tự bảo vệ mình và lên tiếng khi phát hiện sai phạm. Đồng thời, các chuyên gia, người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng cần có trách nhiệm hơn trong việc kiểm chứng sản phẩm trước khi hợp tác quảng bá.
Niềm tin công chúng không thể dùng để tiếp tay cho tội phạm. Để người tiêu dùng không còn nỗi lo, ám ảnh về chất lượng hàng hóa từ bữa ăn trong mỗi gia đình đến cả khi nằm trên giường bệnh.