Từ ngày 1/1/2026, hàng triệu hộ kinh doanh sẽ không còn nộp thuế khoán mà phải kê khai thuế điện tử, minh bạch hóa hoạt động và từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đây được xem là bước ngoặt lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
Hiện nay, cả nước có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, chủ yếu là cá thể hoặc gia đình tự vận hành sản xuất – kinh doanh. Trong số này, phần lớn đang đóng thuế khoán – một hình thức tính thuế dựa trên doanh thu ước tính do chính hộ kinh doanh kê khai với cơ quan thuế. Mức thuế này thường cố định và không phản ánh chính xác quy mô kinh doanh thực tế.
Điều đáng lo ngại là nhiều hộ có doanh thu lớn, thậm chí tới vài chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng vẫn "ẩn mình" dưới hình thức hộ cá thể để tránh các nghĩa vụ thuế đầy đủ như doanh nghiệp. Chính điều này tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước và thất thu ngân sách không nhỏ.
Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển bài bản hơn, đặc biệt là nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 vào ngày 17/5/2025. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, khoảng 3,7 triệu hộ và cá nhân kinh doanh sẽ không còn áp dụng hình thức thuế khoán và cũng được miễn lệ phí môn bài.
Thay vào đó, việc nộp thuế sẽ tuân theo Luật Quản lý thuế hiện hành với quy trình kê khai, nộp thuế trực tuyến qua phần mềm điện tử, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Lộ trình cải cách này được đẩy nhanh hơn dự kiến ban đầu 6 tháng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc “chuyển hóa” khu vực kinh tế phi chính thức.
Theo ghi nhận, không ít hộ kinh doanh – đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng – vẫn còn tâm lý e ngại khi chuyển từ thuế khoán sang kê khai thuế điện tử. Một tiểu thương tại Hà Nội chia sẻ: “Bây giờ bán hàng thì nhiều, nhưng ghi chép sổ sách chưa bao giờ là thói quen. Nếu bắt phải kê khai từng hóa đơn, chắc tôi phải thuê thêm người”.
Thực tế, việc quản lý thuế theo kê khai đòi hỏi hộ kinh doanh phải thay đổi cả tư duy vận hành: từ chỗ hoạt động tự phát sang có tổ chức, có kế toán, hóa đơn chứng từ đầy đủ. Đây vừa là áp lực, vừa là cơ hội để từng bước chuyên nghiệp hóa.
Ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính khẳng định: “Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai các phần mềm kế toán miễn phí, đồng bộ với hệ thống khai và nộp thuế. Các phần mềm này có thể sử dụng trên nhiều thiết bị điện tử, hỗ trợ cập nhật dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, giúp hộ kinh doanh dễ dàng làm quen với quy trình mới”.
Ngoài phần mềm, ngành thuế cũng sẽ bố trí lực lượng hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp, tổ chức tập huấn và có chính sách tư vấn miễn phí cho các hộ kinh doanh trong giai đoạn chuyển tiếp.
TS. Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng việc chấm dứt thuế khoán là hợp lý và “đáng lẽ nên làm từ lâu”. Theo ông, cơ chế khoán từng là công cụ tạm thời trong bối cảnh phần lớn hộ kinh doanh không đủ khả năng kê khai đầy đủ. Nhưng đến nay, khi hạ tầng công nghệ và thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh, thì tiếp tục duy trì hình thức khoán chỉ khiến “vùng xám” trong nền kinh tế thêm lớn.
“Có những hộ kinh doanh vài chục tỷ đồng mỗi năm nhưng chỉ nộp vài triệu tiền thuế khoán. Điều đó không công bằng với các doanh nghiệp thực thụ”, ông Tú nói.
Cùng quan điểm, GS-TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ĐH Kinh tế TP.HCM nhận định, tinh thần cải cách thuế lần này gắn liền với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị. Bên cạnh việc bỏ thuế khoán, Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mở rộng quy mô, gia nhập hệ sinh thái kinh doanh chính quy.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi phương thức thu thuế không chỉ tạo bình đẳng trong nghĩa vụ tài chính giữa hộ và doanh nghiệp mà còn giúp Nhà nước quản lý doanh thu chính xác hơn, từ đó hoạch định chính sách kinh tế – tài chính hiệu quả hơn.
Nếu quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, khu vực hộ kinh doanh cá thể – vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế – sẽ được đưa vào khuôn khổ, tạo đà hiện thực hóa mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 như Nghị quyết 68 đề ra.