Để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề nghị giảm thêm lãi suất cho vay, không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào hạn mức tín dụng và mời gọi thêm các ngân hàng tham gia chương trình này.
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Về phía chủ đầu tư, đã có 15 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.624 tỷ đồng. Còn lại 68 dự án chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình này, trong đó 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn, 6 dự án đang được các NHTM thẩm định và 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Đối với người mua nhà, qua rà soát, Bộ Xây dựng cho biết hiện nay đã có 151 người mua nhà đã được vay vốn Chương trình 120.000 tỷ đồng với số tiền khoảng 80 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ còn chậm chủ yếu do một số vướng mắc. Một là, các ngân hàng tham gia chưa nhiều, ngoài nhóm ngân hàng Big 4 thì mới chỉ có thêm 4 ngân hàng (TPbank, VPBank, MBBank và TechcomBank) tham gia Chương trình.
Hai là, nguồn cung nhà ở xã hội bước đầu còn hạn chế, Luật Nhà ở năm 2023 và các Nghị định hướng dẫn đã tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nhà ở xã hội, tuy nhiên 01/8/2024 mới có hiệu lực thi hành.
Ba là, lãi suất và thời gian hạn hưởng lãi suất chưa thực sự thu hút người vay. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên do lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân).
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đề xuất giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay ưu đãi gói tín dụng này. Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đôn đốc các địa phương sớm công bố các danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.
Thứ hai, tiếp tục xem xét giảm lãi suất, nâng thời hạn vay ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.
Thứ ba, nghiên cứu cho phép mở các chỉ tiêu/hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo hướng: Phần cho vay nhà ở xã hội không phải tính vào chỉ tiêu/hạn mức tín dụng của ngân hàng và được đánh giá, tổng kết hàng năm.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.