Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ (2015) và 5 năm thực hiện Kết luận 01/KL-BCH (2021) về nâng cao chất lượng hoạt động Ủy ban Kiểm tra Công đoàn vào ngày 31/3.
Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát trong hệ thống công đoàn.
Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ được ban hành từ năm 2015 với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp. Sau 10 năm thực hiện, hệ thống kiểm tra công đoàn đã có nhiều bước tiến, góp phần đảm bảo hoạt động công đoàn ngày càng minh bạch, hiệu quả.
Kết luận 01/KL-BCH (2021) tiếp tục nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, đồng thời khẳng định yêu cầu đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra.
Kiến nghị truy nộp gần 782 tỉ đồng
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, công đoàn các cấp đã tiến hành gần 360.000 cuộc kiểm tra chấp hành điều lệ công đoàn, 127.000 cuộc giám sát, 399.000 cuộc kiểm tra tài chính và quản lý tài sản công đoàn. Tổng số tiền kiến nghị truy nộp gần 782 tỉ đồng.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, cần đánh giá cơ cấu các cán bộ kiêm nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn có phù hợp, hiệu quả hay không, từ đó kiến nghị mô hình, phương án cơ cấu lại hệ thống.
Cùng với đó đề xuất các giải pháp kiểm tra tài chính chất lượng, hiệu quả và tăng cường việc kiểm tra của công đoàn cấp trên đối với cấp dưới, kết hợp kiểm toán độc lập đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông công nhân.
Theo ông, dù sắp xếp tinh gọn bộ máy, dưới công đoàn ngành vẫn có nhiều công ty mẹ, tổng công ty, việc quản lý tài chính, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn phải đảm bảo.
Ông cũng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến cho mô hình, công tác kiểm tra, giám sát, phát huy hiệu quả, nhằm hoàn thiện báo cáo.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đề xuất cơ quan kiểm tra công đoàn xem xét, tham mưu xây dựng phương án bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách là chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
Ví dụ ở khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công đoàn cơ sở dưới 100 đoàn viên thì có thể không tổ chức ủy ban kiểm tra. Công đoàn cơ sở có 500 đoàn viên trở lên mới cần thành lập ủy ban kiểm tra.
Công đoàn có trên 3.000 đoàn viên thì bố trí 1 cán bộ công đoàn chuyên trách là chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, trong đó có thể bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện.
Ông Cảnh cho rằng cơ quan chuyên môn có thể nghiên cứu văn bản hướng dẫn mỗi đơn vị công đoàn khi báo cáo quyết toán có thể thuê kiểm toán độc lập, tăng hiệu quả, minh bạch.
Ông Trương Hồng Sơn - Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức - kiểm tra Liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay, trong 10 năm qua, các cấp công đoàn thành phố đã kiểm tra trên 292.000 cuộc, kiểm tra tài chính hơn 152.000 cuộc. Qua kiểm tra thu chi, tài chính công đoàn, lực lượng chuyên môn kiến nghị truy thu và nộp về tài chính công đoàn hơn 258 tỉ đồng.
Vì vậy, đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát, tiến tới xây dựng đội ngũ có phẩm chất, năng lực, thông thạo nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn nhằm hạn chế, phòng ngừa sai phạm.