Liên quan đến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc trùng tu phải bảo đảm làm sao di tích vừa giữ nguyên được giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, tăng khả năng di tích chống đỡ lại được với tác động của môi trường; ngăn chặn được hiện tượng làm mới những di tích lịch sử mà không đảm bảo được những yếu tố về lịch sử, về kiến trúc.
Xem xét bổ sung di sản địa chất vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng cần xem xét bổ sung di sản địa chất vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.
Theo bà, hiện nay di sản địa chất đang được đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và được giải thích là tập hợp một hoặc nhiều di sản địa chất được công nhận xếp hạng và di sản địa chất được hiểu là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của các hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt hoặc trong lòng đất, được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất. Điều này có nghĩa di sản địa chất chính là một dạng của di sản thiên nhiên, chứa đựng trong đó các giá trị về văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu ý kiến: “Đưa di sản địa chất vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật là phù hợp với bản chất đặc trưng của nó, đồng thời để có cách ứng xử và chính sách, phương pháp quản lý, khai thác, phát huy giá trị của di sản này một cách hợp lý, hiệu quả và đồng bộ”.
Trong khi đó, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân Đoàn (Bắc Kạn) bày tỏ quan tâm đến Điều 18 có quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Đại biểu cho biết, tại khoản 1 quy định tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được đảm bảo một trong các tiêu chí: Thứ nhất là khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất; thứ hai là suy giảm số lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận; thứ ba là suy giảm biến đổi điều kiện và hình thức thực hành; thứ tư là thu hẹp hoặc biến mất không gian văn hóa liên quan môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, các tiêu chí này theo bà còn quy định rất chung chung và mang tính chất định tính, khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Phân loại công trình trong phạm vi bảo vệ di sản
Đề cập việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, các quy định liên quan đến nội dung này tại điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 2 của Điều 28 cần được tiếp tục hoàn chỉnh, quy định rõ và phân loại tiêu chí, quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo trong khu vực bảo vệ di tích. Hoặc dự thảo Luật phải xác định được tiêu chí về các thủ tục hành chính thực hiện cấp phép sửa chữa, cải tạo, xây dựng, thời gian trả lời đối với từng loại công trình trong khu vực bảo vệ di tích.
Bởi khi thực hiện sửa chữa, cải tạo có những công trình nhỏ, mang tính cấp bách nhằm bảo vệ di tích như sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước, lắp đặt các cột thu lôi hay cột phát sóng trong khu vực bảo vệ hai của các di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt rất cần được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện để kịp thời bảo vệ di tích, đại biểu lý giải.
Đối với quy định tại khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật, việc chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án đầu tư, xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ của di tích chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thiên nhiên thế giới, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Đối chiếu với quy định giải thích về khái niệm công trình kinh tế - xã hội tại Điều 3 dự thảo Luật, nhận thấy, nếu quy định như khoản 1, Điều 29 thì có khả năng “quét” toàn bộ các công trình xây dựng. Do đó theo bà, cần nghiên cứu quy định cụ thể các công trình kinh tế - xã hội nào chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để bảo đảm Luật thực hiện được đúng và đầy đủ sau khi ban hành.
Đối với Điều 30 dự thảo Luật quy định khi phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích quy định, theo bà phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa. Trường hợp dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài khu vực di sản thế giới, vùng đệm của khu vực di sản thế giới phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát, đánh giá các yếu tố tác động tới di sản thế giới theo quy định của Luật này và quy định của UNESCO.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, quy định trên sẽ khiến các công trình đầu tư, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài vùng đệm của di sản thế giới khó có thể triển khai được, không thu hút đầu tư vào địa phương có loại hình di sản này. Do vậy, cần quy định rõ tại dự thảo Luật các tiêu chí để đánh giá, xác định việc có thể tác động đến di sản thế giới đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ nằm ngoài vùng đệm của di sản; xem xét giao thẩm quyền cho đối với các công trình, dự án nằm ngoài vùng đệm của di sản, di tích cho UBND cấp tỉnh.
Ngăn chặn hiện tượng làm mới di tích lịch sử mà không đảm bảo được yếu tố về lịch sử, kiến trúc
Cho ý kiến về dự án Luật này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan tâm vấn đề các quy định về trùng tu, tu bổ, tôn tạo di sản, các di tích, được quy định ở các Điều 34, 35, 36 của Luật hiện hành. Bà nhấn mạnh, việc trùng tu phải bảo đảm làm sao di tích vừa giữ nguyên được giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ, tăng khả năng di tích chống đỡ lại được với tác động của môi trường.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, mặc dù cũng đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng thời gian qua việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích cũng như làm mới lại các di tích cũng vẫn gây ra những xôn xao trong dư luận. “Có những chùa đang rất cổ kính, đang rất đẹp nhưng khi sau khi tu bổ, tôn tạo, mất một khoản tiền nhưng lại trở thành như một ngôi chùa mới rất hiện đại nên đảm bảo giá trị lịch sử cũng chưa được đầy đủ”, bà nêu ví dụ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận định, trong các Điều 34, 35, 36 ở trên chưa nêu rõ các nguyên tắc. Theo bà, cần có những nguyên tắc phải đảm bảo giữ gìn những bản sắc và có những chế tài nếu xảy ra những việc ảnh hưởng.
Cụ thể, “có một số điều đều giao cho Chính phủ quy định chi tiết ở khoản 2, khoản 3, khoản 4... của các điều này, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan soạn thảo cần phải trình kèm theo những văn bản hướng dẫn. Vì vậy đề nghị sớm hoàn thiện, làm rõ các văn bản này để ngăn chặn được hiện tượng làm mới những di tích lịch sử mà không đảm bảo được những yếu tố về lịch sử, về kiến trúc”.