Kinh tế

Nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện dự báo đạt mốc 100 tỷ USD

Hoài An 14/10/2024 11:53

Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, chỉ trong 9 tháng năm 2024 trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này sơ bộ đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu và dự báo sẽ là mặt hàng đầu tiên trong lịch sử đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2024.

7777-08917661367792192433229.jpg
Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác, đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Những năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Có thể thấy hiện nay, các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cùng với nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covid-19 đó là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện. Trong 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này sơ bộ đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD, chiếm tới 28,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị nhập khẩu dẫn đầu.

Nhìn chung sau 9 tháng năm 2024, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã xuất khẩu 52,8 tỷ USD, nhập khẩu 79,1 tỷ USD; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 131,9 tỷ USD. Với giá trị nhập khẩu đã đạt được và tốc độ tăng cao như hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng đầu tiên trong lịch sử đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2024.

image00320240724161035-17219602246581986271273.jpg
Mặt hàng đầu tiên trong lịch sử được dự báo đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2024. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh những điểm sáng về tình hình xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện, trên thực tế, nhóm hàng này của Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện dự báo đạt mốc 100 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO