Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều này sẽ góp phần phát triển các đô thị một cách toàn diện, đáp ứng những mục tiêu, nhưng vẫn giữ được bản sắc, văn hóa của nông thôn.
Vừa qua, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 và cung cấp thông tin, dữ liệu quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo thẩm quyền và quy định. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt tại Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024.
Theo quy hoạch mới, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá nước ta đạt trên 50% với 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục… tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; xây dựng 03 - 05 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 39 quy hoạch ngành quốc gia được định hướng bởi các quy hoạch quốc gia và song song tích hợp với các quy hoạch ngành khác như: Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, Quy hoạch này đã cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia về hệ thống đô thị và nông thôn trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan. Trong đó, có 4 vùng đô thị gồm: Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Đà Nẵng, Vùng Cần Thơ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đã nêu rõ 4 mục tiêu cơ bản của Quy hoạch. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị, nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, thân thiện môi trường, góp phần hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc.
Thứ hai, hình thành hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị Châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế
Thứ ba, phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao.
Thứ tư, nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.
Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến Trúc (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: “Quy hoạch hệ thống đô thị-nông thôn quốc gia rất quan trọng, là kim chỉ nam cho các địa phương khi các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch nông thôn cũng như hệ thống hạ tầng kết nối có định vị một cách rõ ràng, định hướng một cách thống nhất.”
Với một quy hoạch về đô thị và nông thôn nằm trong quy hoạch ngành quốc gia, đồng thời mang tính chiến lược được phê duyệt như trên được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển các đô thị một cách toàn diện, hệ thống hơn, bên cạnh đó đáp ứng những mục tiêu phát triển đô thị, nhưng vẫn giữ được bản sắc của nông thôn, nhất là khu vực đem lại những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa và cần được bảo tồn.