Tiềm năng

Nhiều tập đoàn lớn sẵn sàng “rót vốn” cho những dự án quy mô tại Việt Nam

Thu Hằng 13/10/2024 06:34

Nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực, vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện giúp cho Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới lựa chọn, sẵn sàng “rót vốn” cho những dự án có quy mô lớn.

samsung.jpg
Nhiều tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Dân Trí)

Điểm sáng thu hút đầu tư

Việt Nam hiện chiếm khoảng 12% tổng GDP của ASEAN, tăng đáng kể từ dưới 6% vào năm 2000. Với dân số khoảng 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang mở rộng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, thương mại quốc tế đã duy trì nhịp độ phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và sự gia tăng doanh số bán linh kiện bán dẫn từ giữa năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa sau năm 2024.

Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó, chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI, chiếm hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023. Điều này phù hợp với xu hướng lâu nay Việt Nam là điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Một khoản đầu tư trị giá 1,8 tỷ USD sẽ được Samsung Display đầu tư vào Bắc Ninh trong thời gian tới. Khoản đầu tư này góp phần nâng tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 24,2 tỷ USD, tức là gấp hơn 36 lần so với khoản đầu tư 670 triệu USD ban đầu của Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh vào năm 2008.

Như vậy, một lần nữa, Samsung giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam. Đầu tháng 7/2024, trong khuôn khổ chuyến công du Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Lee Jae Yong cho biết, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu.

Và giờ đây, kế hoạch này đang sớm được Samsung hiện thực hóa. Với khoản đầu tư lên tới 8,3 tỷ USD, Samsung Display sẽ trở thành cơ sở sản xuất màn hình lớn nhất thế giới của tập đoàn này. Điều đó có nghĩa, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất các thiết bị di động, cứ điểm nghiên cứu và phát triển (R&D), mà còn là cứ điểm sản xuất các loại màn hình thế hệ mới.

Những “ông lớn” khác của Hàn Quốc như Tập đoàn Daewon và Lotte đã đến Bình Định khảo sát, tìm hiểu kỹ hơn môi trường đầu tư, tìm cơ hội đầu tư phát triển trên lĩnh vực công nghiệp và đô thị tại địa phương này.

Hay mới đây, Tập đoàn The Trump Organization (Mỹ) đã tới Hưng Yên để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mong muốn của The Trump Organization là phát triển dự án trong các lĩnh vực thế mạnh như khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí tại tỉnh này.

Ngoài ra một số tập đoàn và quỹ đầu tư lớn của Mỹ, như SpaceX, Apple, Meta, Super Micro, Google, Blackstone… cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple - Nick Ammann đánh giá Việt Nam không chỉ là “thị trường tuyệt vời” của Apple, mà còn là “cứ điểm sản xuất” để tập đoàn cung cấp hàng hóa cho thế giới.

Sẵn sàng chờ đón “làn sóng” đầu tư

Để cánh cửa được rộng mở hơn, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế, chính sách để gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Một trong số đó là việc hoàn thiện và sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, vượt trội.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện thể chế, chính sách, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng… để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, với hi vọng các cơ chế, chính sách này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn, hydrogen xanh…

66e65e9c13ff9.png
Samsung Display Việt Nam đầu tư 1,8 tỷ USD cho dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử của tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là hai quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới, thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đồng thời, sẽ là tiền đề để Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong, như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) - những lĩnh vực mà Việt Nam xác định sẽ tạo đột phá cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Phát biểu tại Phiên Đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam rằng, nguồn lực đầu tư nước ngoài là “quan trọng và đột phá”. Theo Thủ tướng, để thu hút đầu tư nước ngoài, phải quan tâm 3 yếu tố: Thể chế thông thoáng; hạ tầng thuận tiện, thông suốt; phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao có các ngành mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen, AI, điện toán đám mây…

Thủ tướng cũng cam kết, Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Với những động thái này, kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn cập bến Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tập đoàn lớn sẵn sàng “rót vốn” cho những dự án quy mô tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO