Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phấn đấu đưa Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới-giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là “con người là trung tâm của sự phát triển”, với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: “Thủ đô văn hiến-kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa-phát triển hài hòa-thanh bình thịnh vượng-chính quyền phục vụ-doanh nghiệp cống hiến-xã hội niềm tin-người dân hạnh phúc”.
Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84km.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 đến 9,5%/năm thời kỳ 2021 – 2030. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng GDP của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD…
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 6,2%; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đạt 70%; tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%...
Về đô thị và nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; tỷ lệ vận tải công cộng phấn đấu đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân đô thị; có 50% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh – thông minh – thanh bình – thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80, 85%.
Xác định 5 không gian phát triển
Quy hoạch nêu phương hướng phát triển các ngành quan trọng như dịch vụ (thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics), công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; kinh tế số; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, lao động việc làm, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội của thủ đô được tổ chức theo mô hình: 5 không gian phát triển-5 hành lang và vành đai kinh tế-5 trục động lực phát triển-5 vùng kinh tế, xã hội-5 vùng đô thị.
Trong đó, 5 không gian phát triển gồm không gian trên cao, không gian ngầm dưới mặt đất, không gian công cộng, không gian văn hoá sáng tạo và không gian số.
Các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
5 trục động lực gồm; trục sông Hồng; trục Hồ Tây-Cổ Loa; Nhật Tân-Nội Bài; Hồ Tây-Ba Vì và trục phía Nam.
5 vùng kinh tế-xã hội: Vùng trung tâm (gồm khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng); vùng phía Đông; vùng phía Nam, vùng phía Tây và vùng phía Bắc.
5 vùng đô thị được phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm, vùng thành phố phía Tây, vùng thành phố phía Bắc, vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây- Ba Vì.
Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử, khu vực thành cổ Sơn Tây, các khu phố cổ, phố cũ gắn với các công trình kiến trúc có giá trị nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch bền vững.
Rà soát, lên phương án cải tạo, chỉnh trang các khu chung cư cũ, các khu nhà ở thấp tầng tự xây trong khu vực nội đô thành các khu đô thị mới hiện đại có dịch vụ đồng bộ, môi trường sống văn minh.
Phát triển mô hình đô thị TOD tại các khu vực có ga đường sắt để mở rộng không gian phát triển, tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa và hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tạo lập thể chế đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có tại mỗi khu vực.
Hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô.
Khu vực nông thôn được tổ chức theo 3 mô hình tiêu biểu; mô hình truyền thống, không nằm trong vùng đô thị hóa; mô hình nông thôn nằm trong vùng đô thị hóa và mô hình nông thôn làng cổ, làng nghề.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng gồm phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh hoạt, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.