Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị phần thông qua hệ thống phân phối quốc tế

Hương Lan 07/06/2024 16:23

Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Viet Nam International Sourcing 2024

Khai mạc chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024. Ảnh moit.gov.vn

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Song, nhờ vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kinh tế Việt Nam trong năm qua đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 681 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD. Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có Hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 6 năm 2024 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Chuỗi sự kiện quy tụ 600 doanh nghiệp Việt Nam với diện tích trưng bày 10.000 m2. Sự kiện năm nay ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của gần 300 kênh phân phối và nhà nhập khẩu uy tín từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nổi bật là các tập đoàn thu mua quốc tế lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon (Hoa Kỳ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); LuLu (UAE); IKEA, H&M (Thụy Điển)... cũng như các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện năm nay còn nhận được sự quan tâm rất đa dạng của các nhà thu mua trung cấp. Cụ thể, là chuyên gia mua hàng của các hệ thống các siêu thị chuyên ngành, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng giảm giá, chuỗi siêu thị phục vụ người châu Á, các công ty thương mại chuyên nhập khẩu để cung ứng theo các ngành hàng riêng biệt cho các chuỗi siêu thị trên toàn cầu, đến từ nhiều thị trường mới, có tiêu chuẩn không quá khắt khe như Nam Mỹ, Trung đông và Đông Âu.

chuỗi cung ứng

Nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đang được các nhà phân phối tìm kiếm. Ảnh minh họa

Theo ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác như như đồ chơi, thực phẩm... từ Việt Nam cũng được Walmart tìm kiếm.

Walmart cũng muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn, khai thác cơ hội tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn, phục vụ cả mục tiêu xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường của mình trên toàn thế giới.

Về thị phần xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Vấn đề là doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, trách nhiệm xã hội và môi trường, hướng đến mục tiêu sản xuất xanh bền vững. Diễn đàn cũng tập trung vào việc tìm hiểu khó khăn thực tế của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.

Nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã được tiến hành. Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu và kênh phân phối quốc tế cũng được tăng cường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị phần thông qua hệ thống phân phối quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO