Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được Quốc hội thảo luận với nhiều điểm đổi mới quan trọng, trong đó nổi bật là việc tăng cường phân cấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn nhà nước phát huy quyền tự chủ, đồng thời nâng cao trách nhiệm và cơ chế giám sát đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngày 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Phan Văn Mãi, dự thảo sau chỉnh lý gồm 8 chương, 59 điều – giảm 3 điều so với bản trình kỳ họp trước.
Điểm nổi bật được ghi nhận là việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính, trong đó khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng đã được cắt hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm tháo gỡ rào cản, nâng cao hiệu quả vận hành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà nước bày tỏ đồng tình và kỳ vọng rằng việc sửa luật lần này sẽ giúp tăng quyền tự chủ, tự quyết trong sản xuất, kinh doanh, giảm tình trạng bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính chồng chéo.
Bên cạnh việc trao quyền, dự thảo luật cũng siết chặt trách nhiệm đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, họ phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản khi doanh nghiệp có dấu hiệu thua lỗ hoặc mất khả năng thanh toán.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đề nghị nên quy định rõ hơn về việc cảnh báo sớm và báo cáo rủi ro tiềm ẩn, từ trước khi tổn thất xảy ra, đặc biệt với các dự án đầu tư lớn. Việc này sẽ giúp cơ quan chủ sở hữu kịp thời có biện pháp can thiệp, tránh thất thoát vốn nhà nước.
Hồi đáp ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Với những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo đã phân cấp mạnh mẽ hơn cho người đại diện vốn, cho phép họ chủ động quyết định nhiều nội dung quan trọng, chỉ cần báo cáo trước khi biểu quyết tại HĐQT hoặc Đại hội cổ đông.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng trách nhiệm của người đại diện sẽ đi kèm với cơ chế đánh giá rõ ràng, có khen thưởng, xử phạt theo chỉ tiêu được giao. Hiệu quả kinh doanh sẽ không chỉ đo bằng lợi nhuận, mà còn phải so sánh với lãi suất ngân hàng, với các doanh nghiệp trong cùng ngành, đảm bảo không có vùng an toàn cho quản lý yếu kém.
Dự thảo luật mới cũng xác định rõ phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giới hạn vào các lĩnh vực trọng yếu, có vai trò dẫn dắt hoặc đảm bảo an sinh xã hội, như: cung cấp dịch vụ công ích thiết yếu; quốc phòng, an ninh; hạ tầng trọng điểm; đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.
Dự thảo không cấm doanh nghiệp nhà nước tham gia vào lĩnh vực bất động sản hoặc tài chính, nhưng yêu cầu phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, có năng lực triển khai và tuân thủ pháp luật hiện hành. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng có thể cho phép đầu tư ngoài ngành, nhưng cần chọn lọc và quản lý chặt chẽ, vì “bất động sản là miếng bánh béo bở nhưng không phải ai cũng đủ sức làm”.
Dẫn chứng kinh nghiệm từ Tập đoàn Temasek của Singapore – một doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn vào hàng loạt công ty tư nhân hiệu quả cao trong và ngoài nước, trong đó có Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định: Nếu đầu tư vào ngành, lĩnh vực có hiệu quả thì sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách và thúc đẩy phát triển.
Với những doanh nghiệp nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn, Nhà nước sẽ xác định vai trò là nhà đầu tư tài chính thuần túy, thông qua người đại diện để đánh giá hiệu quả và quyết định việc tiếp tục hay thoái vốn.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp lần này đang nhận được sự đồng thuận cao vì hướng tới mô hình quản trị tiên tiến hơn, tăng tính chủ động nhưng đồng thời ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn.
Điều quan trọng là luật không chỉ đặt mục tiêu quản lý chặt, mà còn tạo khung pháp lý để DNNN hoạt động hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Việc đảm bảo đồng thời hai mục tiêu – hiệu quả kinh tế và bảo toàn vốn nhà nước – sẽ là thách thức nhưng cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay.