Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024: Kịch bản cao khi tăng trưởng quý 4 đạt 7,4%, tăng trưởng năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0%; Kịch bản thấp tăng trưởng quý 4 sẽ dưới mức 7%, năm 2024 ở mức 6,84%.
Sáng 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm Đối thoại chính sách: "Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức".
Đại diện VEPR, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng đã trình bày báo cáo của viện nêu tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024. Theo đó, kết thúc quý 3/2024, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
Mặc dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước. Các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.
Đặc biệt, nền kinh tế cũng phải đối diện với các thách thức như trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed làm giảm xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của Việt Nam; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn...
Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 02 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý IV sẽ đi ngang với mức 7.4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7.0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng Quý IV sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6.84%.
Trong thời gian tới, VEPR cho rằng, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Việc giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các DN phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các DN hoạt động hiệu quả hơn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian này.
Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR khuyến nghị Nhà nước thực hiện một số giải pháp về tăng cường giải ngân đầu tư công; ưu tiên chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN; thêm chính sách để kích cầu tiêu dùng; đảm bảo hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung…
Bên cạnh đó, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm, dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 đối mặt với nhiều thách thức.
"Những thiệt hại về cơn bãi Yagi vẫn chưa thể khắc phục, điều này đã và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Do đó, những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão cần được triển khai nhanh, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", ông Hiếu nói.