Xuất khẩu chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng

23/10/2023 12:04

“Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong ba năm qua”, theo Báo cáo “Vietnam At A Glance” tháng 9 của HSBC.

Dù đà suy giảm của xuất nhập khẩu đã chậm lại đáng kể trong quý III vừa qua và dự báo tiếp tục phục hồi trong quý IV, song khó kỳ vọng sẽ quay lại được mức tăng trưởng dương cho cả năm nay.

Từ vô cùng khó khăn đến hồi phục đáng kể

Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tuần này, một trong những nhận định được đưa ra trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Trong đó về xuất khẩu hàng hóa, giai đoạn 9 tháng vừa qua ghi nhận mức suy giảm 8,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên nếu “truy ngược” lại dòng thời gian, mức suy giảm ấy đã là nhẹ hơn rất nhiều so với nửa đầu năm. Cụ thể, quý I ghi nhận giảm 11,9%; quý II giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mức suy giảm lên tới hai con số này sau đó đã được kéo giảm mạnh, với quý III chỉ còn giảm 1,2% so với cùng kỳ. Nếu nhìn dãy số liệu theo tháng sẽ thấy sự chuyển dịch rõ nét hơn. Ví dụ từ tháng 4 đến tháng 9/2023, tốc độ tăng trưởng hàng tháng của xuất khẩu được cải thiện khá tốt (từ mức âm 16,2% so với cùng kỳ lên mức tăng dương 5,3%; trong khi tốc độ tăng trưởng đối với nhập khẩu cũng có được sự cải thiện tích cực, từ âm 23,1% so cùng kỳ trong tháng 4, lên dương 2,6% vào tháng 9.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan đến trung tuần tháng 10 cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt xấp xỉ 523 tỷ USD (giảm 10,9% so với cùng kỳ). Trong đó, xuất khẩu đạt 272,74 tỷ USD (giảm 8,1%); nhập khẩu đạt 250,19 tỷ USD (giảm 13,7%); thặng dư thương mại 22,56 tỷ USD.

Báo cáo “Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm” mà Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành mới đây nhận định: Sau nửa đầu năm đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ mạnh mẽ hơn dự kiến với mức tăng GDP đạt 5,3% trong quý III. Nguyên nhân phần lớn là nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực thương mại, trong đó, tháng 9 đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi vốn rất cần thiết. Mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên, giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm xuống dưới 2% so với cùng kỳ trong quý III.

Bản tin cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của WB ngày 17/10 vừa qua cũng phân tích, việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng tháng có mức tăng trưởng dương sau 10 tháng suy giảm (kể từ tháng 11/2022) trong tháng 9 vừa qua (xuất khẩu và nhập khẩu tăng tương ứng 5,3% và 2,6% so với cùng kỳ) phản ánh sự cải thiện về nhu cầu bên ngoài và cho thấy sự suy giảm trong thương mại hàng hóa đã chạm đáy. Cùng với đó, việc nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa trong thời gian tới.

Theo khảo sát của S&P Global tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng trong cả tháng 8 và tháng 9 vừa qua, đặc biệt là từ các thị trường châu Á. Trước đó, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 của Tổng cục Thống kê, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý IV/2023 sẽ tốt lên so với quý III. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 30,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 44,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 24,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm trong quý IV này so với quý III/2023.

Song, cũng khó trở lại tăng trưởng dương

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh cho thấy, sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tích cực hơn, tồn kho giảm, sản xuất chế biến chế tạo cải thiện… Đây là những tín hiệu cho thấy triển vọng xuất khẩu trong quý IV này sẽ tốt lên. Đáng chú ý các mặt hàng nhập khẩu rất gắn với xuất khẩu (khoảng 94% giá trị kim ngạch nhập khẩu là máy móc thiết bị tư liệu đầu vào sản xuất phục vụ xuất khẩu) thì sự cải thiện trong nhập khẩu là yếu tố quan trọng báo hiệu sản xuất tích cực hơn. “Nhưng mức độ tốt lên như thế nào thì rõ ràng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sức cầu bên ngoài. Về cơ bản tôi cho rằng tốt lên, nhưng sẽ khó theo hướng đột phá và cả năm nay xuất nhập khẩu rất khó trở lại tăng trưởng dương”, ông Hiếu nhận định.

Các chuyên gia cũng dự báo, thặng dư thương mại hàng hóa cả năm nay sẽ trong khoảng 15-20 tỷ USD. Điều này hàm nghĩa là trong nửa cuối tháng 10 và 2 tháng còn lại, thặng dư thương mại sẽ bị “hụt đi” so với mức 22,5 tỷ USD hiện nay. Nhưng sự hụt đi này được nhìn nhận là tín hiệu tích cực, bởi thực tế một yếu tố giúp thặng dư thương mại có được rất lớn từ đầu năm đến nay là nhờ đà giảm mạnh hơn của nhập khẩu so với xuất khẩu. Trong khi đó, với một cấu phần rất lớn trong nhập khẩu là để phục vụ xuất khẩu như đã nói ở trên, sự “đảo ngược” đà giảm của nhập khẩu trong những tháng tới nếu tiếp tục diễn ra sẽ là bước tiền đề quan trọng cho xuất khẩu phục hồi tốt hơn sau đó.

Như vậy có thể thấy trong các đánh giá và dự báo mới nhất, các tổ chức và chuyên gia kinh tế đều nhận định đà phục hồi của xuất khẩu (và cả nhập khẩu) sẽ tiếp tục tích cực hơn trong quý IV này, mặc dù rất khó có khả năng xuất khẩu thoát được tăng trưởng âm trong cả năm 2023. Diễn tiến tình hình đến nay và các tín hiệu đều cho thấy, sự phục hồi nhanh hơn chỉ có thể diễn ra trong năm tới.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, những bất định mới cũng đang xuất hiện, đặc biệt là tình hình leo thang căng thẳng tại Trung Đông những ngày gần đây, có thể tác động tới xuất khẩu. Theo TS. Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, hiện còn quá sớm để nói đến những tác động cụ thể từ chiến sự Israel – Hamas đến kinh tế toàn cầu sẽ thế nào. “Tuy nhiên có thể một trong những rủi ro chính mà cuộc chiến này gây ra là sẽ khiến giá dầu mỏ tiếp tục ở mặt bằng giá cao trong ngắn hạn và có thể gây rủi ro kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống nữa. Điều này có thể hàm ý là Việt Nam không chỉ đối mặt với giá năng lượng cao hơn trong thời gian tới mà còn đối mặt với rủi ro nhu cầu yếu đi, làm tăng thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa trong năm tới”, TS. Frederic Neumann cho biết.

Theo Thoibaonganhang

Theo Xuất khẩu chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO