Sáng 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.
Tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Theo Kết luận của Bộ Chính trị, trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã đủ điều kiện để thành lập Trung tâm tài chính quốc tế dựa trên 5 yếu tố chính.
Thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỉ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 - 4.700 USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Thứ hai, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng kết nối thông suốt và quản trị thông minh.
Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với vốn hóa đạt khoảng 7,2 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 70% GDP quốc gia.
Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỉ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP.
Cuối cùng, tình hình chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm, tạo ra một môi trường an toàn và thuận lợi cho phát triển.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.
Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận xây dựng trung tâm tài chính là việc khó, mới và phức tạp. Do đó, việc này phải cần tất cả bộ, ngành trung ương phải đồng lòng và phải xác định đây không phải là việc riêng của TP HCM hay Đà Nẵng. "Khó mấy cũng phải làm", Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TP. HCM, cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng. Bà nói thêm, trụ cột tài chính cực kỳ quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong năm 2023, dịch vụ tài chính của Việt Nam đã đóng góp vào GDP 4,9%.
Là địa phương đặt Trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố sẽ quy hoạch không gian phát triển trung tâm tài chính một cách đồng bộ, bao gồm cả khu vực trung tâm và các khu vực mở rộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút đầu tư.
Người đứng đầu đảng bộ TP HCM nói địa phương quyết tâm cao nhất để thực hiện các kế hoạch và chương trình đã đề ra, đồng thời mong muốn sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ ngành trung ương.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết địa phương đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc để xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ xây dựng và phát triển bộ máy quản lý, vận hành trung tâm tài chính cũng như kêu gọi đầu tư, chuẩn bị hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực...
Theo ông Quảng, Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính và tài chính thương mại với mục tiêu là tạo ra sự khác biệt giữa dịch vụ tài chính truyền thống.