Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ năm 1975 đến nay, Tòa án nhân dân có những đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị của đất nước.
Nền tảng quan trọng của nền tư pháp Việt Nam
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Để tái hiện những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam. Tinh thần đó đã được khẳng định tại Hiến pháp qua các thời kỳ.
Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ký ban hành Sắc lệnh số 33C/SL thành lập tòa án quân sự trong cả nước. Tòa án quân sự - tiền thân của Tòa án nhân dân - là thiết chế xét xử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án Việt Nam. Ngày 13/9/1945 trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân Việt Nam.
Kế thừa những thành tựu đạt được, trong 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc trấn áp bọn gián điệp, phản cách mạng, xử lý các tội phạm xâm phạm tài sản của Nhà nước, công dân, các tội phạm làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội..., góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay, nhất là từ khi nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986), Tòa án nhân dân có những đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, chuyển biến tích cực về mọi mặt, có những tiến bộ mang tính bước ngoặt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và yêu cầu của cải cách tư pháp, giữ một vị thế quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dấu ấn cải cách tư pháp mạnh mẽ
Nghị quyết số 27-NQ/TW/2022 của Trung ương về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh về vai trò, nhiệm vụ của Toà án trong thực hiện cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới, thống nhất các định hướng lớn để đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, thượng tôn pháp luật.
Để thực hiện chủ trương đó, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã xây dựng và hoàn thành với chất lượng cao 4 chuyên đề, đề án quan trọng về cải cách tư pháp gồm: Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Đề án “Xây dựng luật pháp người chưa thành niên”, Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các Đề án này đã cung cấp những luận cứ quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 6, là cơ sở quan trọng để xây dựng Tòa án độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính; có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp trong xã hội, bảo đảm quyền tài phán quốc gia.
Trước đó, TANDTC chủ trì xây dựng Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, được Quốc hội đánh giá cao và thống nhất ban hành. Ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, các Tòa án đã chủ động tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến. Công tác xét xử trực tuyến được đẩy mạnh, với gần 20.000 vụ án được giải quyết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và ấn tượng với số lượng các phiên tòa trực tuyến được tổ chức; ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực thi Nghị quyết số 33, góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời.
Song song với đó, Tòa án cũng đã cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác. Đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng Trợ lý ảo hỗ trợ Thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày.
Việc đưa phần mềm “Trợ lý ảo” vào khai thác, sử dụng được xem là một bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Tòa án. “Trợ lý ảo” sẽ số hóa các tri thức, kinh nghiệm xử án của các Thẩm phán giỏi, giàu kinh nghiệm; tạo ra Thư ký ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết vụ án. Đến nay đã có hơn 11.000 Thẩm phán, Thư ký được cung cấp tài khoản, tổng số lượt truy cập vào phần mềm Trợ lý ảo là trên 3 triệu lượt. Hệ thống Tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng Trợ lý ảo hỗ trợ Thẩm phán.
Với những kết quả đã đạt được đó, TANDTC được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lựa chọn là mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành. Ghi nhận này của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được đưa ra sau 2 năm (từ năm 2022) TANDTC thực hiện chuyển đổi số. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu ngành Tòa án. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, với cương vị là Chánh án TANDTC không chỉ là người trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi số mà còn trực tiếp truyền đạt, dạy nghiệp vụ của Tòa án cho đội ngũ chuyên gia công nghệ làm chuyển đổi số cho ngành Tòa án; trực tiếp đưa ra các yêu cầu cụ thể của ngành cũng như chia sẻ làm thế nào để đạt được kết quả như mong muốn.
Chia sẻ về những thành tựu này trên cương vị là Chánh án TANDTC, đồng chí Nguyễn Hoà Bình cho biết, đó là một vinh dự của ngành Toà án, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, hiện đại hóa hoạt động Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông cho biết, trước áp lực công việc tăng lên, biên chế giảm xuống, đòi hỏi của xã hội, của nhân dân ngày càng cao cùng yêu cầu từ Đảng, ngành Tòa án không có lối thoát nào khác ngoài chuyển đổi số.