Đời sống - Xã hội

Bông hồng thép giữa “tọa độ chết”

Gia Ân 27/07/2025 10:57

Cách đây 57 năm, 13 thanh niên xung phong đã mãi mãi nằm lại ở “tọa độ chết” Truông Bồn sau một trận bom dữ dội của kẻ thù. Người sống sót duy nhất là bà Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về “thời hoa lửa” và những đồng đội không trở về vẫn khắc sâu trong tim bà – như một phần máu thịt không thể tách rời.

Ngọn lửa tuổi 19 giữa “tọa độ chết”

Lớn lên giữa cánh đồng quê nghèo xã Thọ Thành, huyện Yên Thành (cũ), Trần Thị Thông sớm thấm nhuần tinh thần yêu nước từ trong máu thịt. Năm 1965, vừa tròn 19 tuổi, cô gái nhỏ bé ấy đã rời quê nhà, khoác ba lô lên đường gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Ở thời khắc ấy của lịch sử, cống hiến cho Tổ quốc là lựa chọn tự nhiên nhất của tuổi trẻ.

m7vlc79m(1).jpg
1111.jpg
Tiểu đội thép san lấp hố bom tại Truông Bồn tháng 8/1968. (Ảnh tư liệu)

“Hồi đó ai cũng nghĩ đơn giản, giặc còn thì mình còn đánh. Không phân biệt gái trai, cứ khỏe là đi, cứ gọi là lên đường”, bà Thông kể.

Sau thời gian huấn luyện, bà được biên chế vào Đại đội 317 – lực lượng chuyên đảm nhiệm mở đường, lấp hố bom, giữ thông tuyến cho các đoàn xe quân sự xuyên đêm vượt Trường Sơn chi viện miền Nam.

z6844863783772_b3adc2b1ee0cb8bd5864ec7f81af35f2.jpg
Bà Trần Thị Thông - nhân chứng sống duy nhất của trận bom vào sáng 31/10/1968.

Có những đêm trắng làm đường dưới ánh trăng, có những ngày mưa bom bão đạn đổ xuống như mưa rào, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đến việc quay lưng hay sợ hãi.

Năm 1966, bà Thông được điều động về Truông Bồn – đoạn đèo hiểm trở trên tuyến đường 15A, nơi được mệnh danh là “tọa độ chết” bởi số lượng bom đạn mà không quân Mỹ dội xuống dày đặc. Cũng chính tại nơi này, bà trở thành Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 – Chỉ huy 13 chiến sĩ TNXP trẻ tuổi, phần lớn chưa đầy 20.

“Chúng tôi làm việc ban đêm là chính. Ngày thì máy bay oanh tạc liên tục. Đêm xuống mới ra đường lấp hố bom, dựng cọc, rải lá làm dấu cho xe qua. Có hôm không kịp làm dấu, cả tiểu đội đứng làm cọc sống để dẫn đường cho đoàn xe hành quân. Hồi ấy, sợ chết thì không ai làm nổi”, bà Thông nói, mắt nhìn xa xăm như thấy lại từng đoạn đường, từng vệt bánh xe còn hằn trong trí nhớ.

Buổi sáng định mệnh

Ngày 31/10/1968 – một ngày mà lịch sử còn ghi lại như vết cắt xé lòng. Sáng hôm ấy, bà Thông cùng 13 đồng đội nhận lệnh ra đường làm nhiệm vụ như thường lệ. Trời trong xanh, gió nhẹ, chẳng ai nghĩ đó lại là bình minh cuối cùng của nhiều người trong số họ.

“Máy bay Mỹ thường đánh vào buổi chiều. Nhưng hôm ấy, mới hơn 6 giờ sáng đã nghe tiếng rú lạ từ xa. Chưa kịp phản ứng, bom đã trút xuống như mưa. Mặt đất nổ tung. Cây cối, đất đá bay mù trời. Không ai kịp kêu một tiếng...”, bà Thông kể, tay bất giác run lên, như thể chính mình đang sống lại phút giây ấy.

thumb_660_02f98d1a-fa00-447d-905f-a463976c3903.jpg
13 thanh niên xung phong đã mãi mãi nằm lại ở Truông Bồn.

Khi tiếng bom dứt, người dân và bộ đội xung quanh tức tốc lao vào hiện trường. Họ chỉ tìm thấy thi thể của các TNXP Tiểu đội 2 lẫn trong bùn đất, tóc tai, áo quần đẫm máu.

Người vừa nhận giấy báo nhập học, người đang viết thư về cho mẹ, người đeo dây đeo cưới đợi ngày lành… Tất cả khép lại trong buổi sáng tang thương ấy.

Chỉ còn một người chưa được tìm thấy: Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Tưởng như bà cũng đã hòa tan vào đất. Nhưng rồi, một người lính phát hiện đoạn nòng súng nhô lên khỏi bùn. Đào sâu xuống, họ thấy bà – bất tỉnh. Nòng súng đã giữ một lỗ thở bé xíu cho bà – giữa lớp đất đá chôn vùi.

“Tỉnh lại, tôi không thể tin mình còn sống. Người ta bảo tôi may mắn. Nhưng cái giá của sự sống ấy là cả Tiểu đội đã không ai về...”, bà nghẹn ngào.

Bà được đưa về điều trị tại nhà dân. Khi ấy, hai chiến sĩ bộ đội hành quân qua đã dừng lại, chăm sóc, cứu chữa cho bà. Nhưng rồi họ đi, không để lại tên tuổi. Hơn 50 năm trôi qua, bà vẫn mang ơn và mong một lần được biết danh tính để nói một lời cảm ơn.

Trở về từ lòng đất – ký ức không thể quên

Năm 1969, sau khi bình phục, bà Thông trở về học nghề may, rồi kết hôn với một người lính Trường Sơn. Cuộc sống lặng lẽ trôi qua trong căn nhà nhỏ ở phường Thành Vinh, tỉnh Nghệ An. Suốt mấy chục năm, ít ai biết người phụ nữ giản dị ấy là nhân chứng sống của một trong những trận bom dữ dội và bi thương nhất của chiến tranh.

z6844863769280_a4e8f51c4587f6bb2a20133e28ab38b1.jpg
Vợ chồng bà Thông xúc động khi xem lại bức ảnh tư liệu chụp tiểu đội 2 đang làm nhiệm vụ ở Truông Bồn.

Đến khi báo chí và cơ quan chức năng tìm về, cái tên Trần Thị Thông mới được nhắc đến rộng rãi. Không phải để ca tụng, mà để kể lại một thời kỳ không thể nào quên – mà bà là chứng nhân hy hữu.

Mỗi năm, khi còn đủ sức, bà lại nhờ con cháu đưa về Truông Bồn – nơi 13 người đồng đội năm xưa đang nằm lại giữa núi rừng tĩnh lặng. Trên tay bà là bó hoa dại, là 13 nén hương đã được đếm sẵn. Bà thắp từng nén, gọi tên từng người, nhắm mắt nhớ lại từng gương mặt. “Tôi không thắp hương cho một Tiểu đội, mà thắp cho 13 con người, 13 phần đời chưa kịp sống trọn. Không ai trong họ bị lãng quên...” – bà Thông lặng giọng.

z6844863765853_34b0cde0fa07baefeb82365827b924d9.jpg
Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.

Hiện nay, Truông Bồn đã trở thành Di tích lịch sử Quốc gia, với khu tưởng niệm khang trang, uy nghi. Nơi ấy không chỉ là điểm đến cho du khách, mà còn là địa chỉ đỏ – để thế hệ hôm nay hiểu rằng, hòa bình không phải điều tự nhiên mà có. Nó là sự đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tuổi xuân của những người như bà Thông và đồng đội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bông hồng thép giữa “tọa độ chết”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO