Tiềm năng

Chiến lược mới đưa TP.HCM trở thành trung tâm y tế hàng đầu ASEAN

Quang Ngọc 08/10/2024 15:32

Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt ra một tầm nhìn đầy tham vọng cho ngành y tế với kế hoạch đầu tư quy mô lớn cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2026 - 2030.

7.10ungbuou.png
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được coi là “dự án mồi" thu hút sự quan tâm của nguồn lực xã hội đối với lĩnh vực y tế.

Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM mới đây cho biết, ngành y tế của thành phố hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.

Tình trạng quá tải nghiêm trọng diễn ra tại nhiều bệnh viện chuyên khoa. Bên cạnh đó, năng lực, chất lượng, hạ tầng và trang thiết bị y tế chưa tương xứng với quy mô và nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.

Để giải quyết những vấn đề này, TP.HCM đã xây dựng chiến lược phát triển mới cho ngành y tế. Trọng tâm nhằm kêu gọi sự tham gia tích cực từ các nguồn lực xã hội vào các hoạt động nghiên cứu, đầu tư dự án, cung cấp trang thiết bị đến liên kết đào tạo và giảng dạy.

Đối với hoạt động đầu tư theo phương thức công tư (PPP), thành phố đang kêu gọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện tại 6 dự án. Nổi bật là Khu khám điều trị dịch vụ tại Khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, Bệnh viện Đột quỵ TP.HCM tại TP. Thủ Đức với 1.500 tỷ đồng, và Bệnh viện Thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trị giá 2.500 tỷ đồng.

Ba dự án còn lại được thành phố triển khai tại TP. Thủ Đức, với mục tiêu đưa khu vực này thành cụm trung tâm y tế lớn cũng như một điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư y tế trong tương lai.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, TP.HCM cam kết cung cấp mặt bằng sạch và quy hoạch đồng bộ, thể hiện chiến lược phát triển y tế đồng đều trên toàn địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, thành phố đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt, bao gồm đơn giản hóa thủ tục và cung cấp các khoản vay ưu đãi. Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM (HFIC) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nhà đầu tư với các cơ sở y tế và hỗ trợ tài chính, tạo ra một hệ sinh thái đầu tư thuận lợi trong lĩnh vực y tế.

TP.HCM cũng mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thành lập các bệnh viện có thương hiệu lớn trên thế giới. Đặc biệt, thành phố khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như xây dựng lò cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ điều trị ung thư. Điều này không chỉ nâng cao năng lực điều trị của ngành y tế thành phố mà còn tạo ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học tiên tiến.

Thành phố sẽ tập trung vào việc phát triển trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển kết cấu hạ tầng và các kỹ thuật chuyên sâu, đồng thời đẩy mạnh du lịch y tế kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Để thu hút sự quan tâm của tư nhân vào lĩnh vực y tế, TP.HCM trong giai đoạn vừa qua đã triển khai thực hiện hàng loạt các dự án bằng “vốn mồi" của nguồn ngân sách công. Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã triển khai 116 dự án với quy mô vốn 23.906,736 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, thành phố sẽ tiếp tục triển khai 150 dự án trong lĩnh vực y tế với tổng mức đầu tư lên đến 52.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược mới đưa TP.HCM trở thành trung tâm y tế hàng đầu ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO