Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vai trò của kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã ( HTX) đang ngày càng được khẳng định trong việc tham gia và xây dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024. (Ảnh: Hoài An)
Theo số liệu được đưa ra tại diễn đàn "Hợp tác xã Quốc gia 2024: Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm", hiện cả nước có 31.764 HTX, trong đó 20.960 HTX nông nghiệp (tăng 250 HTX so với cuối năm 2023) và 10.804 HTX phi nông nghiệp (tăng 150 HTX so với cuối năm 2023); 133 LHHTX, trong đó có 100 liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 75,2%) và 33 liên hiệp HTX phi nông nghiệp (chiếm 24,8%); 120.983 THT, trong đó 76.456 THT nông nghiệp, 44.497 THT phi nông nghiệp.
Ngoài ra, đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 10%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
Đánh giá về vấn này, chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho hay: “Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của KTTT, HTX là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.”
Chia sẻ về hiệu quả việc nắm bắt cơ hội trong chuỗi giá trị, bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Bắc Kạn) cho biết, HTX được thành lập năm 2018, chuyên chế biến tinh bột và sản xuất miến dong, với lao động thường xuyên 35 người và hơn 2.000 thành viên liên kết. HTX được thành lập với sứ mệnh gìn giữ làng nghề truyền thống, văn hóa địa phương. Sản phẩm của HTX đạt OCOP 5 sao, xuất khẩu tới một số thị trường khó tính.
Giá thu mua ổn định từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. HTX hoạt động với phương châm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Mô hình HTX là mắt xích quan trọng, thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, các sản phẩm miến dong của HTX được đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Vùng nguyên liệu của HTX được sản xuất theo quy trình hữu cơ, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.
Trong bối cảnh này, HTX cần đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội trong chuỗi giá trị. Việc kết nối HTX với thị trường thông qua các kênh vừa là cơ hội vừa là thách thức, do trình độ nguồn nhân lực HTX còn hạn chế.
Giám đốc HTX Tài Hoan đề xuất: Để giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn vốn lưu động của HTX mở rộng diện tích, liên kết cho bà con vùng khó khăn. Đồng thời, nâng cao trình độ năng lực cán bộ quản lý.
Nhiều sản phẩm của các HTX được trưng bày, giới thiệu tại diễn đàn. (Ảnh: Hoài An)
Còn theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Qua thực tiễn có thể khẳng định rằng, hiệu quả của KTTT, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên cả nước. Bởi những cá thể, hộ nông dân nhỏ lẻ ít có khả năng sản xuất đi hết các bước của một chuỗi giá trị, và lợi nhuận từ khâu sản xuất theo quy mô hộ cũng thấp hơn so với HTX. Chỉ có HTX mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị, lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để phát triển bền vững như: Hoạt động của các HTX trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung; các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên HTX áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; Rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và liên kết.