Kinh tế

Không thông quan hàng hóa mua trên các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký

Thu Hằng 10/11/2024 06:45

Hải quan tại các địa phương sẽ không thông quan đối với hàng hóa mua từ các sàn thương mại điện tử quốc tế chưa đăng ký với Bộ Công Thương Việt Nam.

Ngày 8/11, Tổng cục Hải quan đã ra công văn yêu cầu hải quan tại các địa phương không thông quan đối với hàng hóa mua từ các sàn thương mại điện tử quốc tế mà các sàn này chưa đăng ký với Bộ Công Thương Việt Nam.

Theo quy định, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

cuc-hai-quan-binh-duong-don-gian-quy-trinh-xuat-khau-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-20240619160618.jpg
Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, công văn của Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu hải quan các địa phương tập trung thu thập thông tin, phân tích, xác định các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hoá thành nhiều gói kiện nhỏ hoặc khai sai giá trị để phù hợp với trị giá được miễn thuế hoặc kiểm tra chuyên ngành.

Trường hợp phát hiện có hành vi lợi dụng khai sai trị giá để trốn thuế, né chính sách kiểm tra chuyên ngành sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.

Khi làm thủ tục thông quan, nhân viên hải quan sẽ đối chiếu thông tin của các sàn trên hàng hóa với hệ thống quản lý của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn. Nếu sàn thương mại điện tử không nằm trong danh sách đã đăng ký, lô hàng sẽ tự động bị từ chối thông quan.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, trong đó tập trung vào các nhóm hàng nhập khẩu là thực phẩm và thực phẩm chức năng; linh phụ kiện điện tử; mỹ phẩm; hàng thời trang...

Đồng thời, rà soát toàn bộ các kho do doanh nghiệp chuyển phát nhanh thuê tại các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh đang hoạt động.

“Nếu không duy trì đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan thì báo cáo cấp có thẩm quyền để chấm dứt hoạt động và thu hồi mã kho”, công văn của Tổng cục Hải quan nêu.

Động thái trên của Tổng cục Hải quan diễn ra trong bối cảnh hàng loạt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới bán hàng giá rẻ đang tiến vào thị trường Việt Nam, điển hình như Temu, Shein, 1688 hay Taobao.

Theo quy định tại Nghị định 85/2021, các doanh nghiệp nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam cần khẩn trương nộp hồ sơ đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam.

Nếu quá thời hạn mà các sàn vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công Thương cho biết có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét. Đồng thời, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

Còn theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần bưu chính viễn thông (VNPT) vào tháng 3/2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Tức là, trung bình mỗi ngày có 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ không được thu thuế nhập khẩu và VAT. Trong khi đó, hàng giá trị dưới 1 triệu bán qua các sàn online đang được miễn thuế, theo quyết định của Chính phủ từ 2010.

Phát biểu giải trình liên quan đến vấn đề hàng hoá giá rẻ nước ngoài "xé lẻ" để né thuế về Việt Nam ngày 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bỏ quy định về miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thông quan hàng hóa mua trên các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO