Trong bối cảnh người tiêu dùng còn thắt chặt chi tiêu, khách hàng sẽ chọn kênh mang lại nhiều giá trị hơn là trung thành một lựa chọn nhất định. Tết Việt năm nay, thị trường tiêu dùng có nhiều thay đổi.
Sắm Tết online thiết thực, tiết kiệm
Hầu hết người tiêu dùng hiện tại vẫn ưu tiên việc mua hàng trực tuyến. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra người Việt dành đến 6,38 giờ mỗi ngày để truy cập Internet và 58,2% trong đó dùng để mua hàng trực tuyến.
Người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết online thiết thực, tiết kiệm hơn
Báo cáo về lĩnh vực thương mại điện tử của Bộ Công Thương cho biết, với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD.
Đặc biệt, mua sắm đa kênh, sử dụng công nghệ để trải nghiệm mua sắm đang là xu hướng phát triển mạnh nhất. Tuy nhiên, bước vào mua sắm Tết, nhiều người cân nhắc, đong đếm sao cho ăn Tết tiết kiệm, hợp với thu nhập và còn dự phòng bất trắc.
Theo dõi thị trường Tết năm nay, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam - cho rằng thực phẩm chứ không phải những mặt hàng xa xỉ mới được ưu tiên mua sắm trong đại dịch cũng như dịp cuối năm.
Các khảo sát của doanh nghiệp này cho thấy những mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng trưởng mạnh về giá trị lẫn tỉ lệ hộ mua. Khách hàng có xu hướng mua combo nhiều hơn, tăng cường mua hàng khuyến mãi... đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất và bán lẻ đẩy mạnh việc bán hàng kèm nhiều sản phẩm khác nhau hoặc bán sản phẩm với giá ưu đãi.
Vì thế, Tết năm nay sẽ không có nhiều sản phẩm ngoại nhập cao cấp, hạn chế những mặt hàng độc lạ từ các nơi đổ về. Thay vào đó, nhà bán lẻ tìm những hàng Việt có cùng công năng, cùng chất lượng với giá cả tốt hơn phục vụ bà con.
Năm nay, người tiêu dùng còn có thêm thói quen xem livestream và chốt đơn. Đây đang là xu hướng mua hàng được nhiều người lựa chọn và trong dịp Tết này, người tiêu dùng cũng có cơ hội ở nhà mua sắm hàng Tết và thoải mái “săn” ưu đãi.
Trong đó, shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) vẫn được dự đoán sẽ là xu hướng nổi bật của Tết 2024. Điều đó cho thấy rằng tâm lý người tiêu dùng đang tìm kiếm những trải nghiệm mua sắm giải trí để giữ lạc quan sau 3 năm nhiều biến động.
Lựa chọn shoppertainment là một trong những kênh phân phối, thương hiệu sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm và xây dựng sự yêu thích từ người tiêu dùng.
Video dạng ngắn làm mưa làm gió thời gian vừa qua vẫn được đánh giá là hình thức truyền thông mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Nhờ sự kết hợp sáng tạo giữa hình ảnh và âm thanh, short video là hình thức quảng cáo nổi bật giúp thương hiệu thu hút sự chú ý của người dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng hiện đại rất thông minh và nhạy cảm trước những nội dung quảng cáo.
Vì vậy, tận dụng tính giải trí để trở nên khác biệt và kết nối dễ dàng hơn với người tiêu dùng khó tính thời nay là điều cần thiết. Theo khảo sát của TikTok, có tới 85% người dùng thích xem quảng cáo với nội dung có tính giải trí hơn. Sự yêu thích này chính là chìa khóa biến giải trí thành chuyển đổi mua sắm. Hơn 50% người dùng đã mua hàng sau khi xem quảng cáo trên TikTok.
Chưa bao giờ người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mua sắm Tết như hiện nay. Theo các nhà bán lẻ, sự sẵn có của nguồn hàng cũng như chủ động đa dạng kênh mua sắm của nhà bán lẻ đang giúp những cái Tết gần đây với nhiều bà nội trợ bớt tất bật và giảm gánh nặng chi tiêu hơn.
Siêu thị đẩy mạnh bán hàng Tết qua thương mại điện tử
Đón mùa mua sắm Tết Nguyên đán đang đến gần, các doanh nghiệp bán lẻ đã đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử bên cạnh kênh truyền thống là phân phối trực tiếp.
Các siêu thị đẩy mạnh bán hàng Tết qua thương mại điện tử.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp bán lẻ đã chuyển đổi hình thức bán hàng thông qua các website, mạng xã hội facebook, zalo hay các sàn thương mại điện tử.
Hệ thống siêu thị WinMart, Go! BigC, MM Mega Market cũng triển khai dịch vụ đặt hàng qua APP, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày… Thời điểm này, các sàn thương mại điện tử như Voso, Sendo, Tiki… cũng bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Thông thường càng gần Tết, sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu, hiện các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Tiki, Lazada, Voso, Postmart… đang tổ chức nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cũng như liên kết với các tỉnh thành xây dựng các gói chương trình hàng Việt qua đó hỗ trợ người tiêu dùng mua được sản phẩm cần thiết, giá hợp lý.
Ngoài ra Co.opmart liên kết với Grab và Now trong việc vận chuyển hàng hóa miễn phí 5km tới người mua. Theo đại diện BigC/GO!, ngoài việc nhận đơn hàng qua điện thoại, website như trước, trong mùa Tết này, đơn vị tăng cường nhận đơn hàng qua kênh Zalo, giao hàng miễn phí.
Nhằm giúp người dân trải nghiệm mua sắm được trọn vẹn, các sàn thương mại điện tử đang khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt thông qua ví điện tử hay thẻ ngân hàng.
Thông tin từ Sở Công Thương cho thấy, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngành công thương huy động các sàn thương mại điện tử vào cuộc đưa hàng Tết tới người dân.
Theo đó, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, TP Hà Nội huy động 34 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.
Như vậy, các hoạt động cung ứng hàng hóa, tổ chức chương trình giảm giá qua đó kích cầu dịp cuối năm của các sàn thương mại điện tử, website đang phát huy lợi ích của kênh phân phối trực tuyến từ đó giảm tải cho kênh mua sắm truyền thống. Đồng thời, tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng doanh thu trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Trang Nhi