Nhằm khẳng định vị thế hàng Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Thủ đô, bên cạnh đó, mong muốn đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Hà Nội đã luôn song hành cùng các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, ban hành Đề án phát triển SPCNCL giai đoạn 2021-2025, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm,...
Ảnh minh họa
Sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) thành phố Hà Nội là sản phẩm công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, nền tảng, có tính lan tỏa mạnh đến kinh tế Thành phố, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; được tạo ra trên các dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ ngang tầm khu vực, phù hợp với trình độ sản xuất trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, đảm bảo năng lực sản xuất và môi trường bền vững; tạo ra mức tăng trưởng cao, ổn định; Hoặc thuộc nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp; là sản phẩm phát huy được giá trị truyền thống và tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; Là sản phẩm mới, phù hợp, đón đầu xu hướng thị trường, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững.
Chương trình phát triển SPCNCL được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai xây dựng với mục tiêu “Phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, các công đoạn và các chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc các ngành: Cơ khí, Điện – điện tử, Hóa nhựa, Dệt may – da giầy, Chế biến lương thực – thực phẩm”.
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Năm 2023 sản xuất công nghiệp được duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng khoảng 3% so với năm 2022 (đã đóng góp 5,29 %/6,27% GRDP của Thành phố năm 2023; trong đó Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2.4% ; sản xuất thiết bị điện tăng 7%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2.3%. Trong kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội”
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Hà Nội tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 15,3%.
Thực hiện “Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội ( từ năm 2018 – đến năm 2023) , UBND thành phố Hà Nội đã công nhận tổng số 229 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội. Các DN có sản phẩm được TP. Hà Nội công nhận là SPCNCL phần lớn là những đơn vị có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Trong số 33 sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2023, có: 10 sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo (chiếm 30,3%); 09 sản phẩm ngành công nghiệp điện, điện tử (chiếm 27,3%); 04 sản phẩm ngành công nghệ thông tin (chiếm 12,1%); 01 sản phẩm ngành công nghiệp dệt may, da giầy(chiếm 3%); 01 sản phẩm ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm (chiếm 3%); 07 sản phẩm ngành công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm: (chiếm 21,3%); 01 sản phẩm ngành công nghiệp vật liệu xây dựng: (chiếm 3%).
Kết quả này cho thấy ngành công nghiệp nói chung và SPCNCL nói riêng đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình đầu tư sản xuất sản, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Những vấn đề về thuế, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà đơn vị sản xuất SPCNCL đang phải đối mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các SPCNCL phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trên “sân nhà". Ngoài ra, năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Điều này khiến doanh nghiệp Việt khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những tập đoàn lớn quốc tế.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển SPCNCL và trên cơ sở kết quả thực hiện Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 15/12/2023 về việc thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024 với mục tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận SPCNCL Thành phố năm 2023 (Trong đó 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu); Bên cạnh đó, phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.
UBND Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Quảng bá, giới thiệu sản phẩm phát triển thị trường; Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp; Hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; Tuyên truyền, tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực;…Việc công nhận và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi và luôn đồng hành của chính quyền Thành phố đối với các doanh nghiệp Thủ đô trong quá trình phát triển đi lên.