Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu về thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ.
Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu về thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ. (Ảnh minh hoạ)
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu về thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ. Với kết quả này, Việt Nam đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên theo Vinatex cho rằng, sự tăng trưởng này không phải do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cải thiện, mà chủ yếu do sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước khác sang Việt Nam và lợi thế tỷ giá khi VND mất giá 5% so với USD. Việc có được đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ tích cực hơn là nhờ vào sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử tại Vinatex, trong 6 tháng đầu năm nay tập đoàn triển khai hợp tác với Tập đoàn Coats của Anh về sản xuất vải chống cháy, nên tháng 7 sẽ có sản phẩm đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ.
Mặc dù xuất khẩu dệt may đầu năm nay đã khởi sắc hơn năm ngoái, nhưng theo các chuyên gia dệt may chưa thể trở lại mức “đỉnh” như các năm trước. Dù có đơn hàng nhiều hơn nhưng các doanh nghiệp dệt may phải đối diện với chi phí (logistics, nguyên vật liệu đầu vào, chuyển đổi dây chuyển, công nghệ sản xuất, lao động…) gia tăng nhiều hơn, trong khi giá bán khó tăng, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, việc thiếu hụt lao động cũng là một vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may, vốn là lĩnh vực thâm hụt nhiều lao động, đang phải tìm cách tháo gỡ. Trước Tết 2024, nhiều lao động trong ngành đã nghỉ vì không có đơn hàng. Họ đã di cư về địa phương, hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Vì vậy, khi đơn hàng phục hồi trở lại, phần lớn các doanh nghiệp khó khăn thu hút người lao động trở về công xưởng.
Ngành dệt may cần trú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. (Ảnh minh hoạ)
Do đó, để duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi từ mô hình sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, giá nguyên liệu rẻ, năng suất cao thành nhà quản trị chuỗi cung ứng, chuyển từ sản xuất CM (cắt và may thành phẩm) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) để giữ được mối quan hệ vững vàng với nhiều khách hàng lớn, đồng thời dự phòng rủi ro khi đối tác gặp khó khăn.
Ngoài ra, để sản phẩm bán được với giá thành cao hơn, doanh nghiệp nên đầu tư một phần doanh thu để cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất theo hướng xanh hơn. Bước đầu tiên nên tiến hành ở việc chuyển đổi năng lượng.
Theo nghiên cứu, ngành dệt may Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm, là ngành phát thải lớn chỉ sau xi măng và thép. Đây cũng là ngành nằm trong tầm ngắm của các quy định giảm phát thải từ phía bạn hàng lớn như châu Âu, Mỹ… Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp ngành dệt may tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí điện năng (theo số liệu của Bộ Công Thương, IFC, USAID). Như vậy, chuyển đổi năng lượng giúp doanh nghiệp dệt may đáp ứng mục tiêu cả về khía cạnh môi trường và hoạt động kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn Khối Chuyển đổi xanh, ESG và Phát triển bền vững tại FPT Digital, cho biết các giải pháp chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng sẽ được hoàn lại sau vài năm nhờ giảm đáng kể hóa đơn tiền điện của nhà máy (một trong những chi phí vận hành lớn nhất), giảm sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, đảm bảo ổn định trong sản xuất ngay cả khi có sự cố về điện. Để giảm bớt gánh nặng chi phí, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo về các chính sách ưu đãi của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi năng lượng để sớm tiếp cận được nguồn tài chính “xanh”.