Yếu tố cốt lõi cho chuyển dịch năng lượng là công nghệ

Đông Nghi 27/06/2024 20:17

Định hướng phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

chuyen-dich-nang-luong

Chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, năng lượng địa nhiệt và các nguồn năng lượng sạch khác. Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng…

Xu thế của chuyển dịch năng lượng hiện nay là tất yếu, trong bối cảnh các nước trên thế giới cam kết bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính theo lộ trình tại các Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng từ 8-10% trong những năm tới. Cùng với đó là vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây ra tác động xấu tới môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, hiện nay tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện còn tương đối hạn chế mặc dù tiềm năng rất lớn.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, nguyên nhân đến từ một số rào cản chính như: tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng chưa được khai thác tối ưu do chính sách, tài chính cũng như năng lực chuyên môn; khả năng nối lưới của các dự án năng lượng và tính ổn định của hệ thống chuyển tải điện cần được cải thiện; chi phí đầu tư cao hơn mức trung bình do giá công nghệ và dịch vụ còn cao…

ông Nguyễn Mai Dương

Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh HLan

Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ là yếu tố đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, song trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.

Do đó, để thúc đẩy công nghệ cho dịch chuyển năng lượng, đại diện Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Chính phủ cần xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.

Thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính và thuế cho các dự án nghiên cứu và triển khai công nghệ mới. Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các dự án triển khai và ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo vào thực tiễn, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Thúc đẩy, tạo cơ chế với các điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên tăng cường đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Điều này bao gồm việc cấp kinh phí cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu khoa học và công nghệ. Thiết lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.

Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới. Đồng thời, cung cấp các gói trợ giá và hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm việc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án phát triển công nghệ năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm các khóa học, chương trình thạc sĩ và tiến sĩ. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo. Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố cốt lõi cho chuyển dịch năng lượng là công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO