Triết lý Kaizen được xem là ‘chìa khoá’ thành công của người Nhật đã được tập đoàn Lộc Trời áp dụng để duy trì thành công trong nhiều năm nay.
Lộc Trời là đơn vị Việt Nam đầu tiên thành công xây dựng thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" tại thị trường EU. Ảnh: T.L.
Triết lý Kaizen có nghĩa “cải tiến liên tục”, “thay đổi để tốt hơn” được xem là kim chỉ nam của người Nhật, được áp dụng trong cả cuộc sống, công việc và xã hội. Ngay từ đầu khi ra đời, triết lý này được người Nhật áp dụng cho thương hiệu Toyota và đưa thương hiệu này vượt ra ngoài lãnh thổ, vươn tầm thế giới. Từ đó, Kaizen được áp dụng rộng hơn và hầu hết các doanh nghiệp có tuổi đời trên 50 năm ở Nhật đều áp dụng Kaizen vào sản xuất, kinh doanh của mình.
Ở Việt Nam, có nhiều tập đoàn đang áp dụng phương pháp Kaizen vào hoạt động của mình, trong đó có Lộc Trời.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập Đoàn Lộc Trời, cho biết hiện nay phát triển bền vững đã không còn là lựa chọn mà dần trở thành yêu cầu bắt buộc.
Khoảng một nửa dân số thế giới ăn cơm mỗi ngày nên gạo là thực phẩm thiết yếu và là an ninh lương thực toàn cầu. Nhưng lúa gạo là “nạn nhân” và cũng là “thủ phạm” làm biến đổi khí hậu. Việc trồng và chế biến lúa gạo đang tạo ra lượng khí thải nhà kính đáng kể, bao gồm khí metan, oxit nitơ (N2O) và cacbonic (CO2)... chiếm 10% lượng khí thải metan toàn cầu và chiếm 25-33% lượng khí thải metan của khu vực Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, hàng năm các cánh đồng ở khu vực Mekong, Việt Nam tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Thói quen phơi lúa truyền thống (như phơi lúa trên đường, trên sân...) và hiệu quả xay xát gạo thấp (định mức thu hồi gạo xay xát so với đầu vào của lúa) ở nhiều quốc gia làm tăng thêm thất thoát và lãng phí loại lương thực quý giá này.
“Tất cả những dữ liệu này cho chúng ta một thông điệp rõ ràng rằng hiện nay, việc sản xuất lúa gạo đang không bền vững và chúng ta cần một sự thay đổi mang tính chiến lược”, ông Thuận nói.
Cải tiến liên tục từng chút một theo phong cách Kaizen giúp Lộc Trời tối ưu hoá quá trình sản xuất lúa gạo tại các nhà máy của mình. Ảnh: T.L.
Khi nhìn nhận phát triển bền vững là "khẩn cấp", Lộc Trời đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo và triển khai ngay trong các hoạt động hàng ngày của công ty.
Để giảm thất thoát và lãng phí sau thu hoạch, tập đoàn áp dụng triết lý Kaizen tại 10 nhà máy. Các cải tiến nhỏ được thực hiện liên tục, kiên trì trong thời gian dài đã giúp nhà máy Lộc Trời tăng hiệu suất lên 90% so với hiệu suất trung bình hiện tại 70%. Áp dụng năng lượng mặt trời trong tất cả các nhà máy để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Lộc Trời nghiên cứu và cải tiến các giải pháp công nghệ để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch: rơm rạ cho khí sinh học, làm phân bón hữu cơ hay làm giá thể trồng nấm tăng thu nhập cho nông dân, ép trấu viên thay thế than trong nhà máy, sản xuất nano silica từ trấu, dùng cám để sản xuất vật dụng nhà bếp thay thế nhựa…
Trên đồng ruộng, Lộc Trời bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP (tiêu chuẩn trồng lúa bền vững) vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của tập đoàn.
“Để giúp nông dân thực hành các tiêu chí SRP, chúng tôi vừa xây dựng các chương trình đào tạo, hướng dẫn, đi kèm với tiền thưởng để xây dựng thói quen sản xuất hiện đại. Từ đó triển khai cho tất cả nhân viên, tất cả các quy trình của công ty và tất cả nông dân hợp tác”, ông Thuận chia sẻ.
“Nói có sách, mách có chứng”, Tập đoàn sau đó mời cơ quan quốc tế xác minh và chứng nhận các chứng chỉ quốc tế. Nhờ những nỗ lực cải tiến trên đồng ruộng, Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt điểm SRP100, và đạt liên tục trong 4 năm kể từ 2020. Đây là chứng chỉ được chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo thế giới IRRI và các cơ quan kiểm định độc lập quốc tế.
“Chứng nhận SRP100 mang đến cơ hội có tín chỉ carbon để giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon quốc tế”, đại diện Tập đoàn cho biết.
Về quản lý và kiếm soát, Lộc Trời số hóa tất cả các hoạt động để giảm sử dụng giấy và tăng hiệu quả trong kết nối từ xa.
Nhờ kiên trì với triết ký Kaizen, Lộc Trời đã “hái lộc” khi “lọt mắt xanh” nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp trong các lĩnh vực như sản xuất khí đốt, năng lượng sinh học từ phụ phẩm, sản phẩm thay thế nhựa...
“Hiện tại Lộc Trời có thể chứng minh cho tất cả các bên liên quan rằng trồng trọt và chế biến gạo có thể là một trong những ngành kinh doanh có lợi nhuận và bền vững nhất trên thế giới”, Tổng Giám đốc Lộc Trời chia sẻ.
“Ông lớn” ngành lúa gạo này cũng đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD (khoảng 23.500 tỷ đồng) vào năm 2024, từ mức 11.897 tỷ đồng năm 2022.
Theo Doanhnhantrevietnam