Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế. Ảnh DDDN
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế cho biết: Việt Nam đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) với tư cách thành viên ASEAN vừa với tư cách một bên độc lập, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn dẫn tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 không đạt được như kỳ vọng, nhưng cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Theo đó, nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, để thấy khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu từ một số thị trường chính là: Hoa Kỳ ước đạt 83 tỷ USD, giảm 12,6% so với năm trước; EU ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 7,6%; Nhật Bản 1,6 tỷ USD, tăng 90,3%. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu một số thị trường chính là: Trung Quốc 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%; Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23,3%; ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%.
“Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp nước ta được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cơ hội để tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu”, ông Trịnh Minh Anh chia sẻ.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được hưởng lợi từ các FTA. Ảnh minh họa
Mặc dù những cơ hội mà các FTA là rất lớn, tuy nhiên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế cho rằng cần nhận diện được những rủi ro và thách thức.
Cụ thể, rủi ro thách thức nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường, thách thức về bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Ngoài ra, những hạn chế nội tại như sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương chưa đúng mức và chưa dành nguồn lực tương xứng cũng đã và đang là rào cản khiến cho không ít cơ hội từ FTA bị bỏ lỡ, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội.
Vì vậy, việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết đối với cả các doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.
Do đó, để thực thi hiệu quả FTA ông Trịnh Minh Anh cho rằng, cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.
Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Như vậy, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động nhằm góp phần khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới.